- Trả lời chất vấn của hai nữ ĐB Hà Nội về vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang sáng nay thừa nhận "để xảy ra những vụ việc này là rất đáng tiếc". Cả bà Bùi Thị An và Trần Thị Quốc Khánh đều đứng lên hỏi lại Bộ trưởng...

Phiên chất vấn ông Quang nóng lên sau giờ giải lao với câu hỏi của 2 nữ đại biểu Hà Nội.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) muốn biết thái độ cụ thể của Bộ về phương hướng và tiến độ giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, tập trung vào những vụ việc mà dư luận cả nước đang quan tâm như Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Cần Thơ, Vụ Bản…, “đúng sai thế nào, bao giờ thì xong”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận “để xảy ra những vụ việc này là rất đáng tiếc”. “Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của địa phương và của mình, những người thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật”, Quang nói.

“Trách nhiệm các cơ quan đến đâu phải làm rõ và giải quyết trên cơ sở pháp luật chứ không có cách nào khác”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: Người dân không kêu ca, phàn nàn gì về chính sách đền bù, hỗ trợ

Về vụ Tiên Lãng, ông Quang cho biết Hải Phòng đã kiểm điểm trách nhiệm và tập trung giải quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ TN-MT cũng đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBDN các tỉnh, thành phố trong cả nước kiểm tra việc quản lý việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển. “Loại đất này chưa được đề cập trong luật và các nghị định một cách đúng mức, nên trong quá trình thực hiện có phát sinh vấn đề”, ông Quang nói.

Qua kiểm tra, Bộ trưởng Quang cho biết hầu hết các tỉnh thực hiện cho thuê loại đất này theo đúng luật, nên sự việc ở Tiên Lãng sẽ không lan ra các địa phương khác như nhiều lo ngại. Tuy nhiên, đây vẫn là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho những người quản lý đất đai, ông Quang nói.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ cũng cùng với Hải Phòng làm rõ những vi phạm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn trong sử dụng đất, đồng thời tiếp tục giao đất cho gia đình ông Vươn theo hình thức cho thuê đất theo quy định hiện hành.

Về vụ Văn Giang, Bộ trưởng Quang nhận định việc địa phương tiến hành cưỡng chế một số hộ dân là nằm trong quy trình thu hồi đất cho một dự án đô thị thương mại đã được phê duyệt từ lâu. “Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng có ý kiến này, ý kiến khác, nhưng khi đoàn công tác xuống nắm tình hình thì người dân không kêu ca, phàn nàn gì về chính sách đền bù, hỗ trợ”, ông Quang nói. “Song người dân đề nghị xem xét thu hẹp diện tích của dự án”.

ĐB Bùi Thị An: Vụ nào cũng đúng luật cả...

ĐB Bùi Thị An thấy chưa thật hài lòng với câu trả lời này. Bà đồng ý với nguyên tắc giải quyết theo luật, nhưng muốn biết trong những vụ việc đất đai cụ thể nêu trên liệu đã có kết luận ai đúng, ai sai. “Nếu không có gì bí mật, Bộ trưởng có thể công bố công khai trước các phương tiện thông tin đại chúng”, bà An đứng lên hỏi lại lần nữa.

Cho rằng các thông tin này đều đã có đầy đủ trong các kết luận của Thủ tướng về các vụ việc này, Bộ trưởng Quang không muốn nhắc lại vì thời gian hạn chế và tỏ ý sẵn sàng trao đổi trực tiếp với ĐB Bùi Thị An, thậm chí mời ĐB đến trụ sở Bộ để trao đổi.

Dân muốn góp đất như đóng cổ phần

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng phải chất vấn lại Bộ trưởng khi thấy ông không hiểu đúng ý mình. Bà muốn biết sau các vụ việc nóng liên quan đất đai, Bộ trưởng có trực tiếp đi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và xử lý vi phạm ở đó không, kết quả đến đâu.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Bộ trưởng chưa hiểu ý tôi...

Bộ trưởng Quang cho biết bên cạnh việc cử các đoàn công tác xuống địa phương, bản thân ông cũng làm việc với thành phố Hải Phòng hai lần, các thứ trưởng của xuống Văn Giang tiếp xúc các lãnh đạo và người dân để nắm tình hình và tham mưu cho Chính phủ.

Bà Khánh cho rằng trước những điểm nóng gây bức xúc dư luận, có thể lây lan ra các địa phương khác thì việc Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, thanh tra và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý các cán bộ có sai phạm, sẽ khiến người dân yên tâm hơn.

ĐB Quốc Khánh cũng lưu ý Bộ trưởng Quang về việc đề án tái cơ cấu nền kinh tế nêu “đất đai, tài nguyên cũng phải được phân bổ cho những nhà đầu tư, những dự án sử dụng hiệu quả cao hơn”. “Như vậy có vượt xa hơn nguyên tắc ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu’ không và có thể tiếp tục tạo ra những điểm nóng tương tự những vụ việc đã nêu?”, bà Khánh băn khoăn.

Bộ trưởng Quang cho rằng không có mâu thuẫn và cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có vốn và khả năng thực thi các dự án có hiệu quả.


Bà Quốc Khánh tiếp tục nhắc Bộ trưởng TN-MT về một thực tế nhiều người dân không muốn bị thu hồi đất mà muốn được đóng góp quyền sử dụng đất trong quá trình thực hiện các dự án ngay trên mảnh đất quê hương mình. “Với nguyện vọng chính đáng này của người dân, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?”, bà Khánh nêu.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Quang khẳng định “khuyến khích việc nhân dân góp vốn, góp đất trong xây dựng nông thôn mới, việc này sẽ được tiếp thu và đề cập cụ thể trong luật thời gian tới”.

ĐB Quốc Khánh nhắc ngay rằng “Bộ trưởng chưa hiểu đúng ý tôi”.

“Có những dự án mà người dân không muốn bị thu hồi đất mà muốn đóng góp đất vào các dự án đó với tính chất như đóng cổ phần, khác với việc hiến đất xây dựng đường. Đây là nguyện vọng chính đáng của rất nhiều người dân, nếu sớm được thực hiện sẽ bớt đi những điểm nóng về thu hồi đất ở địa phương”, ĐB Hà Nội nói.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quang cần hiểu đúng vấn đề này để xem xét trong quá trình sửa luật. “Trong khi chờ sửa luật, Chính phủ và Bộ TN-MT có thể ban hành những hướng dẫn cần thiết”, ông Hùng nói.

Chung Hoàng - Linh Thư - Ảnh: Quang Khánh