Việc nhà riêng và văn phòng của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị cảnh sát khám xét đã gửi đi  thông điệp thẳng thừng với người từng “hét ra lửa” trên chính trường nước Pháp: “Đừng gây rối với hệ thống tư pháp. Ông không còn đứng trên luật pháp nữa”.


Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và nữ tỉ phú Liliane Bettencourt. Ảnh: Reuters

Ông Sarkozy và cựu siêu mẫu Carla-Bruni Sarkozy đang đi nghỉ tại Canada khi thẩm phán Jean-Michel Gentil triệu tập cuộc họp lúc sáng sớm với hai thẩm phán khác cùng 10 sĩ quan cảnh sát. Tuy nhiên, thẩm phán Gentil chắc chắn rằng, cựu Tổng thống Sarkozy biết những gì xảy ra.

Thẩm phán đã yêu cầu vị quản gia tại dinh thự vợ chồng nhà Sarkozy ở phía tây Paris đánh thức cựu Tổng thống tại Canada ngay lúc nửa đêm để thông tin cho ông về vụ khám xét nhà ở. Hai giờ sau đó, ông Sarkozy lại bị thức dậy lần nữa để nhận thông tin rằng, nhà điều tra đang tìm kiếm các tài liệu cần thiết tại văn phòng của ông ở trung tâm Paris.

Chưa một cựu Tổng thống của Pháp nào trước đây trở thành đối tượng “khám xét” như vậy. Vụ khởi tố cựu Tổng thống Jacques Chirac đã thành công vào năm ngoái với cáo buộc biển thủ quỹ của toà thị chính để hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của ông vào những năm 1980, 1990. Nhưng Chirac cũng chưa từng bị cư xử như Sarkozy lần này.

Ông Sarkozy đã khiến thẩm phán Gentil nổi cáu khi tháng trước tuyên bố “ông hoàn toàn trong sạch” trong vụ bê bối Bettencourt. Vụ khám xét là cách để vị thẩm phán nổi tiếng cứng rắn chuyển tải thông điệp với ông rằng, ông vẫn là trung tâm cuộc điều tra.

Trong vài tuần tới, thẩm phán có thể yêu cầu cựu Tổng thống trả lời những câu hỏi về cáo buộc liên quan đến các hoạt động tài chính bất hợp pháp trong chiến dịch bầu cử thành công của ông năm 2007. Ông Sarkozy đã thất bại trong nỗ lực thành Tổng thống nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử 6/5 và cũng mất đi quyền miễn truy tố hình sự, thậm chí là cả quyền miễn thẩm vấn, vào ngày 16/6.

Chưa rõ ông sẽ bị thẩm vấn với tư cách là “nhân chứng” hay “người bị tình nghi” hoặc bị đặt dưới một cuộc điều tra chính thức - một khoảng cách không xa để dẫn tới cáo buộc vi phạm luật bầu cử. Nếu bị truy tố và kết tội, ông Sarkozy có thể phải vào tù. Ông có nhiều khả năng được hưởng án treo, giống như người tiền nhiệm Chirac.

Thông tin về những gì thu thập được trong các cuộc khám xét hôm thứ ba của thẩm phán Gentil rất khác nhau. Theo đó, nhà điều tra không có được gì từ việc khám xét dinh thự của Bruni-Sarkozy nhưng lại tịch thu một máy tính chứa đựng hồ sơ mọi hoạt động của ông Sarkozy năm 2007 trong việc gây quỹ công tại văn phòng của cựu tổng thống ở gần Điện Elysée.

Còn có thông tin cho hay, thẩm phán đã có được bản gốc cuốn nhật ký các cuộc hẹn của Sarkozy năm 2007. Hai tuần trước, cựu Tổng thống với mong muốn chứng minh “trong sạch” đã gửi tới nhà điều tra bản sao cuốn nhật ký. Giờ đây, với bản gốc trong tay, thẩm phán Gentil chưa nói gì về việc bản sao có chính xác hay bị sửa đổi.

Vụ bê bối Woerth-Bettancourt khởi đầu với một tranh chấp pháp lý trong nội bộ gia đình nữ tỷ phú chủ hãng l’Oréal Lilian Bettencourt, khi con gái của bà này tố cáo bạn thân của mẹ mình là nhiếp ảnh gia François-Marie Banier lợi dụng tình trạng già yếu của bà để kiếm tiền.

Tuy nhiên, khía cạnh chính trị của vụ việc đã nổi lên từ hai năm trước đây khi một tạp chí và trang web của Pháp đăng tải bản ghi các cuộc hội thoại thu âm được trong năm 2007 và 2008. Nhiều phần cuộc hội thoại đề cập tới việc bà Bettencourt đã chi các khoản tiền lớn - gấp nhiều lần so với quy định tối đa 7.500€ tiền tài trợ của mỗi cá nhân dành cho các đảng phái chính trị - cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy.

Vị tổng thống Pháp khi đó đã bác bỏ những cáo buộc này. Nhưng thẩm phán Gentil vẫn kiên trì theo đuổi cuộc điều tra.

Theo luật pháp của Pháp, một thẩm phán điều tra có các quyền độc lập đáng kể. Gần ba tháng - khoảng thời gian đáng kinh ngạc - nguyên cố vấn tài chính của bà Bettencourt là Patrice de Maistre, 63 tuổi bị tạm giữ trong nỗ lực của thẩm phán Gentil nhằm thuyết phục ông này nói về các khoản tiền của bà Bettencourt bị cáo buộc là chi cho ông Sarkozy. 

Lời khai của một luật sư Thuỵ Sĩ và những thành viên khác liên quan tới nữ tỉ phú cùng cuốn nhật ký thu giữ cho thấy khả năng chi trả tiền mặt lên tới 400.000 € từ tháng 1 đến tháng 4/2007. Cho tới tháng trước, ông de Maistre vẫn phủ nhận tiền mặt được chi trả cho chiến dịch tranh cử hoặc cá nhân ông Sarkozy.

Thời điểm đó, ông Sarkozy bị cáo buộc đã tới thăm vợ chồng Bettencourt - chuyến thăm mà cựu Tổng thống Pháp không thừa nhận và cũng không có trong bản sao cuốn nhật ký các cuộc hẹn mà ông gửi tới thẩm phán Gentil.

Cựu Tổng thống Pháp có khả năng phải đối mặt với những cuộc điều tra khác bao gồm việc báo chí cáo buộc ông nhận tiền tranh cử từ cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Tên tuổi của ông cũng nổi lên như một phần cuộc điều tra việc "lại quả" từ các thương vụ buôn bán vũ khí nhằm mục đích chính để sử dụng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Balladur năm 1995. Vào thời điểm này, ông Sarkozy không chỉ là nhân vật hàng đầu trong chiến dịch tranh cử với tư cách là phát ngôn viên của ông Balladur, mà trên hết ông còn là Bộ trưởng Tài chính - Ngân sách.

Có rất ít bằng chứng chống lại ông Sarkozy trong những vụ việc này. Tuy nhiên, bê bối Bettencourt có thể là điều khác biệt. Thẩm phán điều tra dường như tin rằng, ông Sarkozy rất có thể có điều gì đó giấu diếm.

Thái An (theo Independent)