Quan chức Manila cho hay, trong xung đột mới nhất giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á, chính phủ Philippines đã phản đối kế hoạch của Trung Quốc nhằm đặt hầu như toàn bộ Biển Đông dưới thẩm quyền của một thành phố mới.
Philippines: Trung Quốc 'đuối lý' về bãi cạn Scarborough
Khánh Hòa, Đà Nẵng phản đối TQ lập "thành phố Tam Sa"
Biển Đông trở thành tâm điểm diễn đàn khu vực sắp tới. Ảnh: wn |
Các nhà ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh hôm thứ tư và trao công hàm phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) chịu trách nhiệm quản lý tất cả vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, tuyên bố của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở Biển Đông tại những vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc về Manila bao gồm một số đảo, vỉa đá ngầm, bãi cạn Scarborough, thềm lục địa và ngoài khơi bờ biển phía tây nước này.
Nội các Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa hồi tháng trước để quản lý ba nhóm đảo chính ở Biển Đông và vùng nước lân cận.
Ông Hernandez khẳng định, quyết định của Bắc Kinh mâu thuẫn với thỏa thuận không gây hấn ký kết giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm ngăn chặn những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - vùng biển giàu trữ lượng dầu khí nhưng có rất nhiều quan ngại rằng, nó sẽ thành nơi các tranh chấp có thể bùng nổ thành xung đột.
Trong khi đó, quan chức Trung Quốc tuyên bố, họ có kế hoạch thiết lập sự hiện diện quân sự ở Tam Sa, cùng với một trung tâm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản.
Cuối tháng 6, trước thông tin phía Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định huyện đảo Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này.
Tranh chấp lãnh thổ có thể là tâm điểm cuộc gặp an ninh hàng năm của châu Á tổ chức ở Campuchia tuần tới. Mặc dù Trung Quốc phản đối nỗ lực đem tranh chấp ra diễn đàn quốc tế, nhưng theo giới phân tích, các nhà ngoại giao trong khu vực có thể sẽ đề cập tới những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông tại Diễn đàn Khu vực ASEAN - nơi có sự tham gia của ngoại trưởng đến từ 27 quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Theo quan chức Philippines, một chủ đề chính của diễn đàn sẽ là đưa thỏa thuận 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN trở thành một bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc để chế ngự sự gây hấn của các bên tuyên bố chủ quyền và ngăn chặn bạo lực có thể bùng phát ở Biển Đông.
Thái An (theo Wall Street Journal, AP, TTXVN)