Manila tuyên bố đang xem xét một số khả năng nhằm đảm bảo sự giám sát tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có việc tranh thủ máy bay do thám quân sự của Mỹ. 

 Ảnh: wordpress
Tổng thống Benigno Aquino đã đề cập tới ý tưởng này vài ngày trước một hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực (nơi Mỹ và Trung Quốc từng ‘đấu khẩu’) diễn ra ở Campuchia.

Ông Aquino trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm thứ hai đã nói, Philippines “có thể đề nghị Mỹ trợ giúp máy bay do thám quân sự” ở Biển Đông. Thư ký phụ trách thông tin của tổng thống Philippines Ramon Carandang nhấn mạnh trên đài truyền hình quốc gia ngày 3/7 rằng, chưa có quyết định gì về vấn đề này và trách nhiệm giám sát đầu tiên vẫn là của chính phủ Philippines.

“Hãy để tôi nói thêm rằng, điều này nếu xảy ra, thì chỉ là những chuyến bay giám sát”, ông nói. “Nó không có nghĩa là khiêu khích mà chỉ hoàn toàn là công việc giám sát lãnh thổ của chúng tôi, vì không có khả năng tấn công ở đây nên không thể xem như đó là một tuyên bố khiêu khích”.

Ông Carandang còn cho hay, Philippines cũng đang cân nhắc việc mua thêm các tàu mới để cải thiện các đội tàu hải quân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân hôm thứ hai tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng Manila sẽ ngừng các tuyên bố khiêu khích liên quan tới tranh chấp hàng hải.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu an ninh Đông Nam Á tại Đại học New South Wales nói, giờ đây, Trung Quốc dường như đang coi bất kể thứ gì liên quan tới hành động quân sự Mỹ ở các vùng biển tranh chấp đều là khiêu khích. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng Mỹ sẽ cố gắng làm dịu tình hình, đặc biệt là khi các quốc gia ASEAN tổ chức hội nghị an ninh cấp cao trong tuần này.

“Mỹ sẽ cố gắng thể hiện thiện chí muốn hợp tác với Trung Quốc, nên bất kỳ hành động nào của họ với Philippines cũng là muốn Đông Nam Á nhìn nhận rằng Mỹ cố gắng làm việc với Trung Quốc hơn là tạo thêm vấn đề với họ”, ông nói.

Giữa Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ chung, và Mỹ cũng nhiều lần khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Theo hiệp ước này, Philippines đang được Mỹ giúp đỡ nâng cấp các tài sản quân sự bằng nhiều thiết bị hiện đại hơn ở mức giá ưu đãi. Manila cũng mở cửa các cảng để đón nhận thường xuyên hơn những chuyến viếng thăm của tàu Mỹ.

Tàu TQ trở lại bãi cạn tranh chấp

Ở một tin tức liên quan, các quan chức Manila vừa cho hay, các tàu cá Trung Quốc đã trở lại vùng đầm phá của một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông bất chấp thoả thuận rút toàn bộ tàu thuyền giữa Trung Quốc và Philippines.

Động thái này đã phá vỡ hy vọng sớm đạt được một giải pháp trong cuộc bế tắc hai nước kéo dài hơn hai tháng qua.

Vụ đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough bắt đầu từ tháng 4. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này. Manila khẳng định nó nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines được luật pháp quốc tế công nhận, còn Trung Quốc thì viện dẫn những lý lẽ lịch sử. Trong khi căng thẳng diễn ra, cả hai bên đều điều các tàu chính phủ ra bãi cạn.

Một thoả thuận gần đây đã chứng kiến cả hai nước rút tàu thuyền về cảng, nhưng người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez vừa cho biết, vào chiều thứ hai, máy bay Philippines đã phát hiện ra 6 tàu cá Trung Quốc và 17 xuồng nhỏ ở trong đầm phá của bãi cạn. Ông nói, có 5 tàu chính phủ Trung Quốc bị phát hiện ở ngoài vùng đầm phá .

Người phát ngôn Hernandez đã yêu cầu Trung Quốc tuân thủ cam kết.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

Mỹ trong khi đó đã thúc giục hai bên kiềm chế. "Chúng tôi tin rằng, tất cả các bên đều mong muốn chứng kiến căng thẳng được tháo gỡ và sự kiềm ché được thể hiện”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Campbell nói trong một hội thảo ở Washington.

Ông cảnh báo, tranh chấp kéo dài đang kích động chủ nghĩa dân tộc và điều quan trọng là vấn đề cần được giải quyết “hết sức khéo léo”.

Thái An (theo VOA, lasvegassun)