Theo giới phân tích, các nỗ lực nhằm tháo dỡ căng thẳng ở Biển Đông sẽ là tâm điểm đối thoại an ninh châu Á tuần này diễn ra ở Campuchia.


Ảnh: neftegaz

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Phnom Penh hôm thứ năm, ít ngày sau khi các ngoại trưởng khắp Đông Nam Á bắt đầu khởi động cho sự kiện quan trọng nhất. Diễn đàn khu vực lần này còn có sự có mặt của các ngoại trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia...

Những va chạm bất đồng xung quanh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hứa hẹn là điểm nóng khi 10 nước thành viên ASEAN có các cuộc hội đàm đầu tuần này, trước cuộc gặp mở rộng bao gồm 27 nước.

Hiện tại, Philippines đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy ASEAN đoàn kết thống nhất để thuyết phục Trung Quốc chấp thuận một bộ quy tắc ứng xử COC ở Biển Đông - vùng biển mà gần đây cả Việt Nam lẫn Philippines đều mạnh mẽ lên tiếng phản đối hành xử gây hấn của Bắc Kinh. Trung Quốc thiên về việc thỏa thuận với từng cá nhân nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khi không ngừng mở rộng yêu sách chủ quyền với khu vực giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng này.

“Đây là thời gian dành cho các thành viên ASEAN", Carl Thayer, giáo sư chính trị và một chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học New South Wales ở Australia cho biết. “Họ đã đặt ra thời hạn tháng này để đến với một dự thảo COC, và có thể có tiến triển".

Trung Quốc và các thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông - vùng biển sở hữu những lộ trình vận chuyển quan trọng toàn cầu. Trung Quốc gần đây đã có vụ đụng độ với Philippines kéo dài hơn hai tháng tại một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam cũng đã phản đối mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm một quyết định mời thầu thăm dò và phát triển dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tại hội nghị cấp cao hồi tháng 4, các nước ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề đưa Bắc Kinh vào các cuộc thảo luận về dự thảo bộ quy tắc hành xử nên dẫn tới "sự bất đồng lớn", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khi ấy cho biết. Tuy nhiên, khối này vẫn hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc vào cuối năm nay, 10 năm sau khi những cam kết đầu tiên để thiết lập một khuôn khổ có tình ràng buộc luật pháp để giải quyết các tranh chấp ra đời.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, ông Kurt Campbell, cuối tháng trước nói rằng, ông đã thấy "đà" tiến triển của vấn đề này sau khi chứng kiến "các nỗ lực ngoại giao tăng cường đáng kể" giữa ASEAN và Trung Quốc về khả năng ra đời bộ quy tắc hành xử. Mỹ gần đây đã mở rộng quan hệ quân sự với Philippines và nhiều nước khác trong khu vực.

Theo Ernie Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh sẽ là "con voi trong phòng" trong tuần này. ("Con voi trong phòng" là cụm từ được dịch từ tiếng Anh "Elephant in the Room". Đây là thành ngữ ý muốn ám chỉ một vấn đề mà ai cũng biết, nhưng không ai dám nói ra do ngượng ngùng hoặc do đó là điều kiêng kỵ).

Trong lúc có nhiều lo ngại rằng, chiến lược mới hướng tập trung tới châu Á của Mỹ có thể gây sự phản ứng từ Trung Quốc trước khi nước này diễn ra quá trình chuyển giao lãnh đạo trong năm nay, thì ở chuyến công du châu Á lần này, "bà Clinton được cho là sẽ nỗ lực làm giảm căng thẳng Trung - Mỹ", ông Bower nói. "Bà sẽ cố gắng để thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung như là một mục tiêu chính của chính sách đối ngoại", ông Thayer nhấn mạnh thêm.

Với mục tiêu đó, bà Clinton có thể ít đề cập "thẳng thắn" hơn về vấn đề Biển Đông hơn so với hồi bà tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực năm 2010 - khi bà khiến Bắc Kinh nổi đóa với tuyên bố Mỹ có một "lợi ích quốc gia" trong việc tiếp cận cởi mở với vùng biển này. “Đừng tìm kiếm sự đột phá từ Ngoại trưởng Clinton ở Phnom Penh”, Bower nói. “Hãy tìm kiếm sự bình lặng, đứng sau hỗ trợ quan điểm của ASEAN nhưng không công khai hay phô trương sức mạnh từ Mỹ".

Bà Clinton cũng sẽ muốn trấn an các đối tác châu Á rằng, Mỹ tuân thủ các cam kết với khu vực và không chỉ tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc. “Ngoại trưởng Clinton sẽ cố gắng thúc đẩy một loạt đề xuất để nhấn mạnh rằng, Mỹ có những lợi ích lớn hơn ở Đông Nam Á hơn là tái cân bằng quân sự", ông Thayer nói.

Các nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ thậm chí sẽ bắt đầu sớm hơn trước lúc bà tới Campuchia, với chuyến công du nhanh chóng tới Hà Nội - nơi bà sẽ gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ - Việt Nam; và dừng chân ở Lào - nơi bà trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm trong vòng 57 năm. Sau khi diễn đàn an ninh kết thúc, bà Clinton sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Mỹ tham dự diễn đàn ở Siem Reap vào ngày thứ sáu.

ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, là một khối gồm gần 600 triệu dân với hệ thống kinh tế, chính trị khác nhau. Theo giới phân tích, trong những năm gần đây, khối này ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng khi chiến lược "trục xoay" của Mỹ được thực thi và khi kinh tế Trung Quốc trỗi dậy.

Thái An (theo The Jakarta Globe, The Nation)