- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay ông mong muốn Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Mỹ là hai trong số các thành viên đàm phán sắp đi đến ký kết.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát
biểu với báo chí chiều nay (10/7) tại Hà Nội, sau hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ,
bà Hillary Clinton đang ở thăm Việt Nam.
Từ vài chục triệu USD thương mại song phương năm 1995, kim ngạch đã lên đến 22 tỉ USD vào năm 2011. Ngoại trưởng Mỹ cũng đặc biệt nhấn mạnh thương mại song phương đã tăng trưởng 40% chỉ trong hai năm trở lại đây.
Một trong những minh chứng cho tiềm năng hợp tác "còn rất lớn" được hai Bộ trưởng nêu, đó là đoàn 20 doanh nghiệp tháp tùng bà Hillary Clinton trong chuyến thăm Việt Nam lần này.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton họp báo sau cuộc hội đàm chiều 10/7 tại Hà Nội |
Trở lại Việt Nam lần thứ ba trong vòng 3 năm trở lại đây trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton nói bà đã chứng kiến nhiều những "đổi thay và phát triển" trong quan hệ Mỹ và Việt Nam. Hai nước đã làm việc trên các lĩnh vực hợp tác từ an ninh hàng hải, hợp tác cứu trợ thảm họa thiên tai, không phổ biến vũ khí, y tế công cộng cho đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh như rà phá bom mìn, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, da cam/dioxin....
Nhấn mạnh kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục là "trọng tâm và động lực cho quan hệ song phương", Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho hay ông kỳ vọng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Mỹ là hai trong số các thành viên đàm phán sắp đi đến ký kết sẽ mở ra những cơ hội hợp tác cho hai bên.
'Đây là lĩnh vực, quan hệ quan trọng giữa hai bên. Đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp có tiếng của Hoa Kỳ đã vào Việt Nam như GE, Microsoft, Exxon Mobil... Mong rằng thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, thương mại và đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển khi Việt Nam và Hoa Kỳ, các thành viên khác trong đối tác thương lượng TPP hoàn thiện và mở nhiều cơ hội cho việc tăng cường thương mại, kinh tế cũng như đầu tư giữa hai nước" - ông nói.
Bộ trưởng Ngoại giao
Phạm Bình Minh
Một trong những lĩnh vực hợp tác được hai bên nhấn mạnh là giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh, trong đó có rà phá bom mìn, giải quyết hậu quả da cam/dioxin, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA). Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cam kết cùng Việt Nam giải quyết các vấn đề này theo kế hoạch dài hạn, không chỉ theo từng năm một, trong đó Việt Nam đã đề cập việc cho phép khối tư nhân tham gia vào nỗ lực giải quyết các vấn đề này.
"Chúng tôi đã làm việc tích cực đảm bảo rằng Hoa Kỳ đang giải quyết những di sản của chiến tranh để lại. Chúng tôi đã có những cam kết gia tăng tài chính... Về lĩnh vực tìm kiếm MIA, Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong hai thập kỷ qua... Đã có gần 700 hài cốt được trao trả song hiện vẫn còn 1.300 người vẫn mất tích. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, Việt Nam đã thông báo cho mở rộng thêm khu vực tìm kiếm. Hai bên sẽ còn nhiều việc phải làm" - Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
Chờ đợi ASEAN và Trung Quốc đạt COC
Đề cập đến các vấn đề khu vực quốc tế cùng quan tâm, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay ông và Ngoại trưởng Mỹ đã trao đổi thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương, khu vực, nhất trí tiếp tục vì lợi ích chung, lâu dài của hai nước, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
"Chúng tôi cũng tiếp tục trao đổi việc duy trì hòa bình, ổn định hợp tác an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước luật biển 1982, đồng thời tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa ASEAN và Trung Quốc" - Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Liên quan vấn đề Biển Đông,
Ngoại trưởng Mỹ cho hay bà đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết
các tranh chấp ở Biển Đông, những nỗ lực kiềm chế căng thẳng và tìm kiếm giải
pháp ngoại giao. Mỹ cũng dành quan tâm đến việc ASEAN và Trung Quốc trên đường
đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Chúng tôi trông đợi ASEAN sẽ có bước tiến đáng kể đối với Trung Quốc trong việc thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử để đảm bảo bất cứ khi có vấn đề nảy sinh thì sẽ được giải quyết hòa bình thông qua sự đồng thuận theo nguyên tắc luật pháp quốc tế" - bà nói
Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao, chiều nay, Ngoại trưởng Mỹ đến chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gặp cộng đồng doanh nghiệp hai nước và chứng kiến lễ ký một số văn kiện về kinh tế, thương mại. Bà cũng tham dự lễ kỷ niệm 20 năm chương trình học bổng Fulbright ở Việt Nam.
Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng