Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay đã thúc giục tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không dùng tới cách đe dọa hay hăm dọa ở vùng biển giàu trữ lượng tài nguyên này.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 2 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Reuters

Bà Clinton khẳng định, Mỹ muốn các cuộc hội đàm liên quan tới tất cả các bên để giải quyết tranh chấp. Theo giới phân tích, tuyên bố này có thể làm "phật lòng" Trung Quốc - nước vẫn muốn tiếp cận song phương để giải quyết với cá nhân từng quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

"Chúng tôi tin rằng, các quốc gia trong khu vực nên làm việc một cách hợp tác và ngoại giao để giải quyết tranh chấp mà không áp bức, không đe dọa, không hăm dọa và không sử dụng vũ lực", bà Clinton nói tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 2 khai mạc ở Phnom Penh, Campuchia hôm nay, văn bản mà bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cho biết.

Căng thẳng âm ỉ kéo dài ở Biển Đông đã leo thang trong năm nay, khi các bên tuyên bố chủ quyền muốn tiến sâu hơn vào vùng biển tranh chấp tìm kiếm nguồn cung năng lượng, đồng thời nỗ lực tăng cường khả năng hải quân và xây dựng các liên minh quân sự.

"Các vấn đề như tự do hàng hải, khai thác hợp pháp các tài nguyên hàng hải thường liên quan tới một khu vực rộng lớn, và cách tiếp cận song phương có thể dẫn tới sai lầm hay thậm chí đối đầu", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á. Trong đó, Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với hầu hết vùng biển này với các viện dẫn lịch sử và luôn nhấn mạnh họ "có chủ quyền không thể tranh cãi" với khu vực mà những nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Philippines và Trung Quốc gần đây đã có vụ va chạm ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc lấy những chứng cớ lịch sử từ thế kỷ 13 để khẳng định chủ quyền. Còn Philippines tuyên bố đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình được luật pháp quốc tế công nhận. Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km (tức là trong phạm vi 200 hải lý được quy định trong Công ước LHQ về Luật biển). Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.

Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc khi Tập đoàn dầu khí của Trung Quốc mới đây tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam.

Mỹ nhấn mạnh rằng, họ trung lập trong cuộc tranh chấp hàng hải kéo dài ở Biển Đông, mặc dù cam kết giúp Philippines nâng cấp lực lượng quân sự với mục tiêu phòng thủ. Bắc Kinh trước nay vẫn cảnh báo "lực lượng bên ngoài" không nên can thiệp vào chuyện Biển Đông.

Washington tuyên bố sự ổn định ở Biển Đông là mối quan tâm lớn của họ. Đây là vùng biển có trị giá 5 nghìn tỉ USD thương mại hàng năm. Hiện tại, một số quốc gia trong khu vực đang tìm kiếm một bộ quy tắc hành xử ở vùng biển này.

Thái An (theo AP, Reuters)