Trung Quốc hôm qua đã thành lập ủy ban tổ chức hội đồng nhân dân của Tam Sa, nghĩa là chính thức bắt đầu việc thành lập chính quyền tại đây.
30 tàu Trung Quốc xâm phạm Trường Sa
Philippines phản đối TQ lập thành phố Tam Sa
Khánh Hòa, Đà Nẵng phản đối TQ lập "thành phố Tam Sa"
Tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (ĐHĐBND) tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định trên. Theo đó, Ủy ban sẽ bầu ra ủy ban bầu cử, triệu tập hội nghị lần thứ nhất ĐHĐBND khóa 1, từ đó hội nghị bầu ra Ủy ban Thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, chánh án Tòa án nhân dân trung cấp và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Tân Hoa xã đưa tin, số lượng đại biểu ĐHĐBND khóa 1 nói trên sẽ gồm 60 người và Ủy ban Thường vụ gồm 15 người. Theo Ủy ban phát triển du lịch tỉnh Hải Nam, các tour du lịch tới Tam Sa có thể chính thức ra mắt vào cuối năm nay.
Trước kế hoạch lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc nhằm đặt hầu như toàn bộ Biển Đông dưới thẩm quyền của một thành phố mới, cả Philippines và Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các nhà ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh, trao công hàm phản đối.
Tàu Trung Quốc đã bắt đầu đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: THX |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, tuyên bố của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở Biển Đông tại những vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc về Manila bao gồm một số đảo, vỉa đá ngầm, bãi cạn Scarborough, thềm lục địa và ngoài khơi bờ biển phía tây nước này.
Tại Việt Nam vào cuối tháng 6, trước thông tin phía Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định huyện đảo Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này.
Đánh bắt phi pháp ở Trường Sa
Không lâu sau khi công bố kế hoạch lập thành phố Tam Sa, một đội tàu cá với sự yểm trợ của tàu ngư chính lớn nhất Trung Quốc đã từ Hải Nam tiến thẳng ra Trường Sa.
Theo Tân hoa xã, đội tàu cá lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay đã bắt đầu đánh bắt tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ đêm 15/7. Đây là lần đầu tiên, một đội tàu lớn như vậy của Trung Quốc tới Trường Sa. Đội tàu này gồm một tàu hậu cần trọng tải 3.000 tấn và 29 tàu có thể mang trọng tải hơn 140 tấn/tàu.
Nhật báo Trung Quốc cho hay, đội tàu trên tới bãi Chữ thập và bắt đầu đánh bắt cá từ chiều 15/7. Đến sáng 17/7, chúng đổi địa điểm đánh bắt tới bãi Su Bi, cách Chữ thập khoảng 200 km. Các bãi đá này đều đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ngày 13/7, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng, hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
"Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế", đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nói.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bốn quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) ở Biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển, kể cả các khu vực sát cạnh bờ biển nước khác. Mới đây, Trung Quốc đã có tranh chấp chủ quyền với Philippines ở bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km (tức là trong phạm vi 200 hải lý được quy định trong Công ước LHQ về Luật biển - UNCLOS). Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Mặc dù đã ký UNCLOS - một công ước quốc tế đưa ra các giới hạn về vùng biển lân cận mà một quốc gia có thể xem là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của họ, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định, bản thân UNCLOS không thể giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
Thái An (tổng hợp)