Một máy bay giám sát của Hải quân Philippines chuyên giám sát các hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã phát hiện ra một tàu đổ bộ Trung Quốc ở bãi Su Bi.


Con tàu thuộc lớp Ngọc Đình mang số hiệu 934 được trang bị ba súng hạng nặng, cần cẩu và một bãi đáp trực thăng. 

Máy bay giám sát của Philippines đã chụp hình con tàu đổ bộ Trung Quốc


Chiếc máy bay giám sát được Bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines (Wescom) điều động đã chụp được hình con tàu đổ bộ này.

“Chúng tôi đang làm tốt nhất những gì có thể”, người phát ngôn Wescom Niel Estrella nói về các hoạt động giám sát trước diễn biến gần đây ở quần đảo Trường Sa. Estrella cho hay, hôm qua các hoạt động này đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu trong khu vực.

Tư lệnh Wescom Juancho Sabban đã yêu cầu tăng cường các chuyến tuần tra trên không và trên biển trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông sau khi xảy ra vụ việc một tàu khu trục Trung Quốc bị mắc cạn ở địa điểm cách đảo Palawan của Philippines 60 hải lý. Đây là địa điểm mà Philippines tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đội 30 tàu cá của Trung Quốc vẫn đang đánh bắt trái phép tại bãi Su Bi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính. Đây là lần đầu tiên, một đội tàu lớn như vậy của Trung Quốc tới Trường Sa. Đội tàu này gồm một tàu hậu cần trọng tải 3.000 tấn và 29 tàu có thể mang trọng tải hơn 140 tấn.

Ngày 13/7, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng, hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

"Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế", đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nói.

Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bốn quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) ở Biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển, kể cả các khu vực sát cạnh bờ biển nước khác.

Thái An (theo philstar)