Vài giờ sau khi ASEAN kêu gọi sự kiềm chế và giải pháp hoà bình cho tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã lại khẳng định chủ quyền với quần đảo tranh chấp trong vùng biển này.


Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: presstv

Một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, vấn đề chính ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền với “quần đảo Nam Sa” - cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam - và các đảo lân cận, và Trung Quốc "có những lý lẽ đầy đủ về lịch sử cũng như pháp lý cho chủ quyền" ở đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hứa hẹn, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả, cũng như tham vấn để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Người phát ngôn Hồng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tiếp tục khủng hoảng tài chính toàn cầu và ảnh hưởng sâu rộng của nó, Trung Quốc và ASEAN cùng chia sẻ mối quan tâm và trách nhiệm chung trong việc duy trì hoà bình, ổn định khu vực, giữ đà phát triển của châu Á”.

Tuyên bố dẫn lời người phát ngôn họ Hồng nói, Trung Quốc có “một thái độ cởi mở đối với tiến trình thảo luận của ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trung Quốc mong muốn tất cả các bên tuân thủ nghiêm ngặt tuyên bố ứng xử và tạo điều kiện cũng như bầu không khí cần thiết để thảo luận các quy tắc”.

Trước đó, các ngoại trưởng ASEAN cho hay, những quốc gia thành viên đã lần nữa khẳng định việc “không sử dụng vũ lực của các bên” ở Biển Đông.

Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Ông đã đi khắp khu vực để tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông sau khi ASEAN không ra được tuyên bố chung ở hội nghị cấp cao khu vực tại Phnom Penh tuần trước.

Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông - vùng biển nắm giữ các lộ trình vận chuyển quan trọng và được tin là rất giàu trữ lượng dầu khí. Các nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Là nước đã ký kết Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc lại khẳng định rằng, nó không phải là “một hiệp ước quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, cũng không thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho việc giải quyết các tranh chấp”.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á mong muốn dùng Công ước để phân xử những tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là phân định về vùng đặc quyền kinh tế.

Thái An (theo skynews)