Thượng viện Philippines hôm qua đã phê chuẩn một hiệp ước cho phép quân đội Australia được đào tạo huấn luyện trong những cuộc diễn tập chiến đấu với lực lượng Philippines.

Hiệp ước bấy lâu bị trì hoãn vì những tranh cãi trong nghị viện Philippines được thông qua với 17/23 phiếu. Thượng nghị sĩ Loren Legarda cho hay, hiệp ước sẽ thúc đẩy các khả năng phòng thủ quốc gia. Hiện tại, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đang tăng mạnh vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Singapore bắn thử tên lửa. Ảnh: asiaone

Sự hiện diện của quân đội các nước là vấn đề nhạy cảm ở Philippines. Hiến pháp Philippines nghiêm cấm quân đội nước ngoài đóng quân lâu dài ở nước này và thượng viện buộc phải phê chuẩn những hiệp định điều chỉnh hoạt động của các quân đội viếng thăm.

Philippines đã có một hiệp ước tương tự năm 1999 với Mỹ và cho phép các lực lượng Mỹ lưu trú từ năm 2002 để đào tạo và huấn luyện cho lính Philippines chiến đấu các phần tử cực đoan al-Qaida.

Thượng nghị sĩ Legarda cho biết, bà từng bỏ phiếu chống với một thỏa thuận tương tự giữa Philippines và Mỹ cuối những năm 1990 nhưng lần này quyết định ủng hộ hiệp ước quân sự với Australia - vốn nằm chờ tại thượng viện 4 năm qua - do quan ngại về tình hình an ninh mà quốc gia phải đối mặt. "Các thách thức an ninh ngày nay đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường thế trận quốc phòng thông qua một cơ chế hợp tác với các đồng minh", bà nói.

Thượng nghị sĩ Eduardo Angara thì ủng hộ hiệp ước vì Philippines cần một "mạng lưới bạn bè bảo vệ" giữa "mối đe dọa của một nước lớn đã mở rộng tuyên bố chủ quyền tới sát ngưỡng cửa của lãnh thổ". Tuy vậy, theo thượng nghị sĩ Teofisto Guingona III, thỏa thuận này chỉ cho phép đào tạo, huấn luyện chung chứ không ràng buộc hai bên bảo vệ nhau trong trường hợp xảy ra xung đột.

Các quan chức an ninh Philippines đang hướng về Washington và những đồng minh khác để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, đối phó với thách thức mới và báo động căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Tàu Trung Quốc và Philippines gần đây đã đụng độ tại bãi cạn Scarborough. Trong bối cảnh mới, Manila đang nỗ lực mua sắm tàu chiến, máy bay, cũng như thiết lập hệ thống giám sát bờ biển với sự giúp đỡ của Mỹ.

Singapore - Mỹ tập trận chung

Liên quan tới những diễn biến mới ở Biển Đông, hôm thứ hai, hải quân Singapore đã thử tên lửa Barak ở Biển Đông, và thành công trong việc phá hủy mục tiêu. Đây là động thái nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận CARAT hàng năm giữa nước này với Mỹ.

Tên lửa xuất phát từ tàu hộ vệ tên lửa RSS Victory được nâng cấp, với mục tiêu giả định là bắn hạ máy ba không người lái.

Theo Bộ Quốc phòng Singapore, các cuộc bắn thử tên lửa tương tự cũng từng được tiến hành trong những lần tập trận CARAT trước đây. Cuộc tập trận là cơ hội để hải quân Mỹ và Singapore làm việc và hợp tác chặt chẽ, thắt chặt thêm mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau.

Thái An (theo Washingtonpost, Asiaone)