- Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 (MDT) yêu cầu Manila và Washington hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước bị bên thứ ba tấn công. Theo báo cáo mới nhất về tình hình Biển Đông của nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG), hiệp ước này "để ngỏ mức độ cam kết của Mỹ".
>> Tranh chấp Biển Đông sẽ ảnh hưởng toàn cầu
Trung lập
ICG đề cập tới bình luận của nhà phân tích châu Á Thomas Lum: "Một số quan chức Philippines đề nghị hoặc tìm kiếm sự đảm bảo rằng, hiệp ước sẽ khiến Mỹ bảo vệ Philippines nếu Trung Quốc chiếm giữ vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông bằng vũ lực, một số người lại hiểu về sự can thiệp giới hạn của Mỹ trong một cuộc tấn công của quân đội nước ngoài trên hòn đảo chính của Philippines hay nhằm vào lực lượng quân sự Philippines", Lum nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Chính quyền Obama đã không quy định những tình huống cụ thể để các lực lượng vũ trang Mỹ can thiệp thay mặt cho Philippines". Ông nói: "Tuyên bố Manila ngày 16/11/2011 không đặt ra các trường hợp cụ thể về việc Mỹ sẽ bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông".
Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc gặp quan chức quốc phòng và ngoại giao hai nước tại Washington, D.C. hồi tháng 4 năm nay "đã nhắc lại rằng, Mỹ 'khẳng định cam kết và các bổn phận trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung".
Ông nói, kể cả không xảy ra cuộc tấn công vũ trang trong thực tế chống lại Philippines hay Mỹ, thì điều 3 của MDT cũng cho phép quan chức hai nước thảo luận về các mối đe dọa ở Thái Bình Dương. Tổng thống Philippines Benigno Aquino và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama cũng đề cập tới cam kết của họ với Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines, cũng như việc đảm bảo hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng vào tháng 6 vừa qua.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ đã cam kết sự ủng hộ của Washington để nâng cấp lực lượng vũ trang Philippines và xây dựng một "thế trận quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu" cho Manila.
Không công bố chi tiết, nhưng ông Obama nói rằng, ông đã thảo luận với ông Aquino về các vấn đề an ninh và quân sự, đặc biệt là chuyện liên quan tới chiến lược "trục xoay" của Mỹ hướng tới châu Á và "nhắc nhở mọi người về thực tế Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương".
Washington cần làm rõ lập trường
"Philippines cam kết theo đuổi biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc" - Người phát ngôn của Tổng thống Aquino |
Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Quỹ Heritage tin rằng, Washington phải làm rõ lập trường của họ về MDT liên quan tới tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc. Trong bài phân tích hồi tháng 5 có tiêu đề "Bãi cạn Scarborough và bảo vệ các lợi ích Mỹ", ông Lohman nhận định, các chính quyền trước đây đã có những tuyên bố rõ ràng về những trách nhiệm của Washington nếu đồng minh bị tấn công.
Theo ông, năm 1979, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance đã xác nhận trong một lá thư chính thức gửi tới người đồng cấp Carlos P. Romulo rằng, phạm vi của MDT bao trùm "một vụ tấn công vào lực lượng vũ trang Philippines, các tàu thuyền chính phủ hoặc máy bay" thậm chí nếu cuộc tấn công không xảy ra trên "lãnh thổ đô thị hay lãnh thổ đảo thuộc thẩm quyền của nước này". Đại sứ Mỹ Thomas Hubbard đã xác nhận lại những đảm bảo này trong năm 1999. Ông tuyên bố: "Mỹ coi Biển Đông là một phần của khu vực Thái Bình Dương".
Giám đốc Lohman cho rằng, chính quyền Obama cần làm nổi bật những cam kết hiệp ước của họ với Philippines.
Thái An (theo abs-cbnnews)