Tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức LB Nga (26-30/7), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chuyến đi đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga đang phát triển “thực chất, ngày càng sâu sắc theo hướng bền vững”.
Đề cập cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin tại dinh thự của Tổng thống tại Sochi, Bộ trưởng cho hay: ”Điều này thể hiện sự tin cậy đặc biệt và tình cảm thân thiết của Tổng thống Nga Putin dành cho Chủ tịch nước và việc Nga hết sức coi trọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam như đã được nêu trong Sắc lệnh của Tổng thống Nga về triển khai hoạt động đối ngoại của LB Nga”.
Hai bên đã thống nhất những định hướng lớn cho việc phát triển quan hệ với các trụ cột chính là thương mại, dầu khí, năng lượng và kỹ thuật - quân sự, không ngừng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá, du lịch…
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay, trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng nguyên tử, hai bên nhất trí triển khai tích cực các dự án hợp tác mang tính chiến lược.
Cùng với việc sớm xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, phía Nga cam kết đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn, chất lượng cao nhất và công trình quan trọng này sẽ trở thành biểu tượng mới của quan hệ Việt - Nga trong thế kỷ 21.
Việt Nam và LB Nga khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh như Rusvietpetro, Vietsovpetro, Gazpromviet và Vietgazprom, TNK-BP Management, Lukoil Overseas, mở rộng các khu vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Phía Nga cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Về hợp tác kỹ thuật - quân sự, Việt Nam và Nga khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả trên cơ sở tin cậy và lâu dài.
“Phía Nga sẽ tiếp tục giúp đào tạo quân nhân cho Việt Nam có đủ trình độ làm chủ công nghệ, trang thiết bị quân sự của Nga tại Việt Nam, chú trọng đào tạo về quốc phòng cho Việt Nam” - ông Minh cho biết.
Phấn đấu 10 tỉ USD thương mại hai chiều
Bộ trưởng cho hay hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga, tuy phát triển tích cực thời gian qua, vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của mỗi nước. Kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 8,1% so với 2010; 5 tháng đầu năm nay đạt 918,8 triệu USD.
Hợp tác đầu tư giữa hai nước còn khá khiêm tốn. Nga đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, tổng số vốn đăng ký chỉ đạt gần 1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tại cuộc hội đàm, nguyên thủ hai nước nhất trí cần đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới về chất nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều, sớm tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (bao gồm Nga, Belarus và Kazakhxtan).
Bên cạnh đó, tháo gỡ kịp thời các khó khăn và vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng hai nước, mở rộng hợp tác đầu tư và tín dụng… nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015 và tiến tới 10 tỉ USD năm 2020.
Không sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết, một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm, đó là việc Việt Nam và LB Nga khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Phía Nga đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong hoạt động của ASEAN, các liên kết khu vực và quốc tế khác, đề nghị Việt Nam tiếp tục là cầu nối cho việc tăng cường quan hệ Nga - ASEAN và các cơ chế khu vực khác do ASEAN làm nòng cốt.
Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông.
Linh Thư