Trung Quốc triệu tập đại diện của Mỹ để thể hiện "sự bất mãn mạnh mẽ" về việc Washington chỉ trích Bắc Kinh lập đơn vị đồn trú ở khu vực tranh chấp Biển Đông.

Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin, họ đã triệu tập phó đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Robert Wang, để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" về một tuyên bố của Mỹ đưa ra hôm thứ sáu.

Khi đó, Mỹ nói quyết định của Trung Quốc khi lập một đơn vị đồn trú ở Biển Đông cũng như nâng cấp hành chính của cái gọi là "thành phố Tam Sa" ở khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước khiến căng thẳng gia tăng và cản trở nỗ lực ngoại giao tìm giải pháp hòa bình.

Mỹ nói việc Trung Quốc nâng cấp hành chính với “Tam Sa” và thiết lập đơn vị đồn trú mới ở Biển Đông gây nguy cơ leo thang căng thẳng ở khu vực. Ảnh: Getty Images

Người phát ngôn đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã xác nhận việc ông Wang gặp các quan chức Trung Quốc hôm thứ bảy nhưng từ chối cung cấp chi tiết.

Tại Washington, một quan chức ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi đã liên lạc chặt chẽ với các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, về những diễn biến ở Biển Đông".

Những động thái mới nhất xảy ra cho thấy, việc tìm một giải pháp ở Biển Đông còn gặp nhiều khó khăn. Đây là vùng biển giàu tài nguyên khoáng sản, nắm giữ những lộ trình vận chuyển quan trọng toàn cầu. Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông bất chấp sự chồng lấn chủ quyền với nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia...

Mối lo ngại về việc leo thang tranh chấp trong khu vực diễn ra giữa lúc các nhà ngoại giao và quan chức Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới một mối quan hệ "suôn sẻ" trước khi Trung Quốc tiến hành chuyển giao lãnh đạo cuối năm nay và Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống với vấn đề Bắc Kinh trỗi dậy đang là tâm điểm tranh cãi.

Thêm vào đó, sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung trên biển còn có nguy cơ làm phức tạp thêm việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đẩy mạnh thâu tóm các tài sản ở vùng vịnh Mexico nếu hoàn tất thỏa thuận trị giá 15,1 tỉ USD với hãng Nexen (Canada). Với việc mua lại công ty này, CNOOC có thể tiếp cận với nguồn dầu của Canada và thiết lập sự hiện diện tại vịnh Mexico. Trong khi đó, Mỹ luôn lo ngại về những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc trong việc sử dụng các công ty nhà nước để thâu tóm các nguồn năng lượng trên toàn cầu.

CNOOC cũng là công ty Trung Quốc tích cực nhất trong việc góp phần khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuối tháng 6, họ đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép các lô dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các lô dầu khí kể trên nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Đây là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp. CNOOC còn đẩy mạnh phát triển công nghệ khoan nước sâu để sử dụng ở Biển Đông bất chấp căng thẳng ngày một leo thang, như đưa giàn khoan khổng lồ ra biển.

Cũng trong tháng 6, Trung Quốc tuyên bố nâng cấp hành chính cái gọi là "thành phố Tam Sa" ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với phạm vi quản lý gồm ba nhóm đảo chính ở Biển Đông. Quân ủy Trung Quốc vào tháng 7 đã phê chuẩn việc thiết lập một đơn vị đồn trú tại đây. Các quan chức Trung Quốc thì nỗ lực và hăm hở thuyết phục người dân ủng hộ những hành động của họ. Ví dụ vào cuối tháng 7, Hải Nam đã phát sóng chương trình truyền hình gồm các bài hát nói về "Tam Sa".

Ngày 3/8, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc lập đồn trú tại “Tam Sa”. "Chúng tôi quan ngại khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và đang theo dõi sát sao các diễn biến”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell tuyên bố. "Đặc biệt, việc Trung Quốc nâng cấp hành chính với “Tam Sa” và thiết lập đơn vị đồn trú mới ở Biển Đông đã đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao hợp tác để giải quyết các bất đồng và gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực”, ông nói.

Ông Ventrell còn chỉ ra “những tuyên bố đối đầu” và các sự cố xảy ra trong vùng biển. Ông nói. “Mỹ thúc giục tất cả các bên tiến hành các bước để làm dịu căng thẳng”. Người phát ngôn Ventrell nhắc lại rằng, Mỹ có một lợi ích trong ổn định và “thương mại hợp pháp không bị cản trở” ở Biển Đông.

Trung Quốc không muốn sự liên quan của Mỹ trong tranh chấp và khăng khăng yêu cầu vấn đề cần giải quyết giữa Trung Quốc và cá nhân từng nước liên quan với niềm tin giành ưu thế trong thương lượng song phương với các láng giềng nhỏ hơn. Còn Mỹ và nhiều nước trong khu vực lại kêu gọi giải quyết tranh chấp ở diễn đàn đa phương.

Thái An (theo Wall Street Journal)