Một nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố rằng, nước này không muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng mà chỉ muốn 80% vùng biển.


Ngô Thế Xuân là nhà nghiên cứu chính trị lâu năm của Trung Quốc, cũng là người tích cực ủng hộ yêu sách chủ quyền lâu nay của Bắc Kinh với hầu như toàn bộ Biển Đông. Hiện Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tranh chấp với một số nước trong khu vực ở vùng biển này khiến Mỹ cũng phải lên tiếng.

Trung Quốc gần đây đã thiết lập một đơn vị đồn trú và nâng cấp hành chính cho một cơ quan mà họ gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Mục tiêu của động thái này, theo Ngô là để cho phép Bắc Kinh “thực hiện chủ quyền với toàn bộ tính năng đất đai ở Biển Đông” bao gồm hơn 40 hòn đảo mà các nước khác như Việt Nam, Philippines và Malaysia tuyên bố chủ quyền.

Đảo Thuyền Chài 2, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng áp lực, như điều động các tàu lớn hơn tham gia tuần tra, liên tục thông qua báo chí chính thống cảnh báo Washington ngừng ủng hộ những bạn bè châu Á trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Níu vào Biển Đông

Giới lãnh đạo Bắc Kinh giờ đây dường như “níu chặt” vào Biển Đông, coi đó là cách để thể hiện với người dân trong nước rằng, Trung Quốc đã là một cường quốc khu vực, có thể “chơi theo cách của mình”. Một số nhà phân tích thì tin rằng, các hành động xăng xái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm làm chệch hướng sự chú ý khỏi việc chuyển giao lãnh đạo cả một thập niên, cho phép chính phủ thể hiện sức mạnh trong một giai đoạn nhạy cảm.

“Họ có thể nhận thấy các vấn đề khó khăn trong nước vài tháng tới”, Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore nói về đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. “Họ phải chắc chắn không bị xem là những người yếu ớt”.

Chính quyền Obama - bị báo động bởi những động thái của Bắc Kinh - khẳng định tranh chấp cần được giải quyết bằng đàm phán. Là một trong những hành lang thương mại quan trọng nhất thế giới, Biển Đông cần có sự tự do về hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố mạnh mẽ khác thường hồi tháng này đã cảnh báo Trung Quốc ôn hòa trong hành xử. Bộ này cho biết, Washington tin các tuyên bố chủ quyền cần được giải quyết “mà không hăm dọa, không đe dọa, không ép buộc và không sử dụng vũ lực”.

Washington đang phản ứng với những gì chứng kiến sau khi Bắc Kinh ngăn chặn các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia tháng 7 việc ra một tuyên bố chung về Biển Đông.

Tranh chấp tiếp tục leo thang. Ngày 31/7 nhân kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chào mừng ngày lễ bằng tuyên bố về “một hệ thống sẵn sàng chiến đấu, tuần tra thường xuyên” ở các vùng nước dưới thẩm quyền của Trung Quốc.

Bắc Kinh sau đó công bố hạ thủy con tàu tuần tra mới nhất, trọng tải 5.400 tấn. Theo Nhân dân Nhật báo, nó đặc biệt phục vụ cho mục tiêu duy trì “chủ quyền hàng hải”.

Làm tăng thêm mối quan ngại của các láng giềng, một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc hồi tháng 7 đã mắc cạn ở Bãi Trăng Khuyết cách không xa Philippines. Vụ việc đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng của hải quân Trung Quốc và sự hoài nghi về mục đích hoạt động tại khu vực của con tàu này.

Bản đồ 9 đoạn

Ngô là Chủ tịch Viện quốc gia Trung Quốc nghiên cứu Biển Đông, đồng thời phụ trách công tác đối ngoại của tỉnh Hà Nam đã nói nhiều về cái gọi là “Tam Sa”. Ngô đã trả lời phỏng vấn sau khi tham dự các hoạt động chào mừng việc nâng cấp hành chính với “Tam Sa” cũng như việc thiết lập đơn vị đồn trú ở đây. Ngô cho biết, chuyến bay Boeing 737 đã chở một số vị khách đặc biệt tham dự sự kiện này gồm cả bí thư tỉnh ủy Hải Nam.

Việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở hòn đảo nói trên khiến Philippines và Việt Nam đặc biệt quan ngại bởi nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc tăng cường hiện diện gần hơn với các hòn đảo, nhóm đảo ở Biển Đông mà nhiều nước tuyên bố chủ quyền.

Ngô nói rằng, ủy ban lập pháp của cái gọi là “Tam Sa” đang xúc tiến việc ban hành các luật về vấn đề hàng hải. Tại viện của Ngô, các du khách đến thăm được chào đón tới một căn phòng máy chiếu hiện đại, nơi họ được xem cuốn video nói rằng, Trung Quốc có chủ quyền hàng hải với “một khu vực rộng lớn” ở Biển Đông mặc dù không đề cập cụ thể là bao nhiêu. Cuốn video khẳng định, 1,4 triệu km vuông vùng biển là “sự sống còn với tương lai của Trung Quốc trong vai trò quốc gia hàng hải trỗi dậy” kể từ khi Biển Đông là xương sống thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, châu Phi và châu Âu.

Phó giám đốc viện là Lưu Phong nói rằng, Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền với hầu hết các đảo ở Biển Đông mà còn có quyền khai thác vận tải, đánh bắt cá và khoáng sản đối với “toàn bộ vùng nước nằm trong đường 9 đoạn”.

Bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra có mặt trong các tài liệu chính phủ và thậm chí là trên tạp chí hàng không của Air China. Bản đồ ấy là tâm điểm tranh chấp ở Biển Đông. Bản đồ 9 đoạn (hay hình chữ U) vạch ra ranh giới mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền lượn sát đường bờ biển của nước khác và không được bất kỳ nước nào công nhận.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc cũng như giới ngoại giao châu Á, sự quan tâm với Biển Đông đã được phối hợp một cách chắc chắn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của chính quyền trung ương Trung Quốc. “Đột nhiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu lại thực thi một chính sách cứng rắn hơn”, Thạch Ân Hồng, một cố vấn đối ngoại của nội các Trung Quốc thừa nhận.

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích các hành động của Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức lớn tiếng cáo buộc Washington đứng về phe những nước châu Á nhỏ hơn chống lại Trung Quốc.

Thái An (theo New York Times)