- Cả
hai đề xuất của Bộ Công thương là quy
định giá phân phối điện trong luật và thu
phí điều tiết điện lực đều
bị các ủy viên Thường vụ QH phản đối.
Không thể 'thả' giá điện nếu EVN còn độc
quyền
Sau khi tiếp thu ý kiến các ĐBQH tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, vẫn còn ý kiến khác nhau về về việc có nên quy định giá phân phối điện trong luật Điện lực.
Theo UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường, các ý kiến ủng hộ cho rằng kể cả sau này khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khâu phân phối vẫn sẽ còn độc quyền vì không thể có hai hệ thống đường dây truyền tải.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, dù hiện tượng “độc quyền tự nhiên” này là khó tránh, vẫn phải đi đúng định hướng xây dựng thị trường điện cạnh tranh: “Luật Giá đã có quy định khung về giá phát điện và truyền tải điện, giờ định cả giá phân phối điện nữa thì cạnh tranh ở khâu nào?”
Giá điện cao, cần được giảm. Ảnh: Bình Minh
Chia sẻ ý kiến này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra: Cần để các doanh nghiệp cạnh tranh chứ nhà nước không thể can thiệp vào tất cả các khâu. “Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào thiểu số, miền núi… nếu giá mua điện cao”. Ông Hùng nhấn mạnh có cạnh tranh thì các doanh nghiệp phân phối điện mới chú ý cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất điện năng…
Một đề xuất khác của Bộ Công thương là thu phí điều tiết điện lực cũng bị Thường vụ QH từ chối.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng lý giải cơ sở thu phí này là Cục điều tiết điện lực bên cạnh hoạt động quản lý nhà nước còn cung cấp dịch vụ công; Cục hiện trực thuộc Bộ Công thương song tương lai sẽ tách ra độc lập; và nhiều nước có thu loại phí này.
“Điện lực là một thị trường đặc biệt, đặc thù, có tính kỹ thuật cao, để đảm bảo tính cạnh tranh thì cần có nguồn lực để đầu tư cho nhân lực trình độ cao”, ông Vượng nói.
Thứ trưởng cho biết phí này thu từ các đơn vị tham gia thị trường điện lực theo sản lượng điện giao dịch trên thị trường và cam kết “không quá lớn, không ảnh hưởng đến việc cạnh tranh”.
Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được các thành viên Thường vụ QH. Ông Phùng Quốc Hiển chưa thấy rõ lý do thu phí, đánh giá tác động đối với hoạt động kinh doanh và đời sống, và đặc biệt là việc sử dụng nguồn phí thu được.
“Dự luật mới chỉ nói đến thu, chưa thấy nói về chi, hay tái đầu tư vào đâu, nếu QH quyết định đưa nguồn thu này vào ngân sách chắc cơ quan soạn thảo cũng không đề xuất nữa?”, ông Hiển đặt vấn đề.
Đa số thành viên Thường vụ QH đồng tình với ông Hiển rằng phí này dù thu từ doanh nghiệp thì cuối cùng cũng sẽ cộng dồn vào giá bán, người dân mua điện phải gánh.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu còn lưu ý hiện dư luận đang bức xúc vì giá điện cao, đòi hỏi phải giảm, và “một trong những khâu có thể giảm được chính là chi phí quản lý”.
Thường vụ QH thống nhất bỏ nội dung này khỏi dự luật vì loại phí này chỉ phục vụ cơ quan thu phí.
Luật Điện lực sẽ được đưa ra thảo luận lần cuối và biểu quyết tại kỳ họp QH cuối năm nay.
Chung Hoàng