Sau thông tin Nhật bắt giữ các nhà hoạt động Trung Quốc khi họ tới quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, Mỹ kêu gọi các bên liên quan tránh "hành động khiêu khích".


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nulan. Ảnh: thenewstribe

"Chúng tôi hy vọng các bên tranh chấp giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với báo chí. "Bất kỳ hành động khiêu khích nào cũng không phải là hữu ích trong vấn đề này".

Bà Nuland nhắc lại, Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - được tin là rất giàu tiềm năng tài nguyên ở biển Hoa Đông.

Hiện Nhật đang xem xét việc trục xuất 14 nhà hoạt động Trung Quốc bị bắt giữ khi họ tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong nỗ lực tháo gỡ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Theo Tân Hoa xã, hiện chính phủ Trung Quốc đang “sắp xếp” cách thức phản đối Nhật Bản. Các nhà hoạt động từ Hong Kong, Macau và Thâm Quyến chiều 15/8 đã tới Senkaku/Điếu Ngư trên một tàu cá nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo này. Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền. Thủ tướng Yoshihiko Noda cuối tháng trước khẳng định, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật sẽ không cho phép bất kỳ tàu nước ngoài nào tới Senkaku/Điếu Ngư.

Ngoài tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn có tranh chấp với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết vùng biển này bất chấp cả những ranh giới lượn sát bờ biển của nước khác. Mỹ luôn kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông và tăng cường hỗ trợ quân sự với một số quốc gia Đông Nam Á.

Thái An (theo Japantoday)