Trước cáo buộc phá hỏng sự đoàn kết của Đông Nam Á, Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc phương Tây can thiệp vào các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.


Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: ctpost

Trước đó, ngày 14/8, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không nên lợi dụng các cuộc đàm phán song phương để "chia rẽ và chế ngự" các nước có cùng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tới thăm hai trong số các nước này là Malaysia và Brunei.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, bà Nuland nói: "Điều chúng tôi quan ngại nhất lúc này là căng thẳng đang gia tăng giữa các nước liên quan. Do vậy, chúng tôi muốn (các bên) đạt được cam kết cho một thỏa thuận đáp ứng đòi hỏi của tất cả các bên". Washington tin rằng, thỏa thuận nên được thông qua ASEAN.

Tuy nhiên, cũng như mọi lần khác, Bắc Kinh cho biết, Biển Đông là một vấn đề mà các bên tuyên bố chủ quyền tự quyết định. Trong chuyến công du tới Đông Nam Á, ông Dương nói rằng, ASEAN nên tập trung vào những mục tiêu lớn hơn. "Hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Á là khát vọng chung của chúng ta", Dương nói. "Trong một tình hình quốc tế phức tạp, chúng ta cần duy trì ổn định khu vực, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau và tăng cường phát triển kinh tế".

Khi tháng trước các ngoại trưởng ASEAN thất bại trong việc nhất trí về một cách tiếp cận thống nhất với vấn đề tranh chấp hàng hải, Trung Quốc đã bị chỉ trích gây ra sự bất đồng trong nhóm này. Sau chuyến thăm của ngoại trưởng Dương, hãng Tân hoa đã bác bỏ các cáo buộc đưa ra, nói rằng, sự thống nhất ASEAN bị suy yếu bởi "hoạt động can thiệp" của phương Tây nhằm "bôi xấu vai trò tích cực của Trung Quốc".

Trong khi đó, bà Nuland khẳng định, các nước ASEAN muốn bảo vệ những lợi ích an ninh lớn hơn của họ. "Họ có những quan điểm khác nhau, và thay vì thanh minh vấn đề, họ chọn lựa cách tiếp tục nói về nó", bà nói.

Còn ông Dương cho hay, các thành viên ASEAN đánh giá cao tình hữu nghị của họ với Trung Quốc kể từ khi khối nay trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Bắc Kinh.

Bà Nuland nhấn mạnh, chiến lược "chia rẽ" của Trung Quốc là không tốt. "Nếu ngoại giao song phương có thể hỗ trợ một khuôn khổ đa phương, thì điều đó sẽ tốt; nhưng chúng tôi không nghĩ rằng, các thỏa thuận đơn lẻ với cá nhân mỗi nước sẽ hoạt động, hãy tìm ra một cách thiết thực hoặc tốt nhất là theo khuôn khổ luật pháp quốc tế để làm điều này".

Trung Quốc không muốn sự liên quan của Mỹ trong tranh chấp và khăng khăng yêu cầu vấn đề cần giải quyết giữa Trung Quốc và cá nhân từng nước liên quan với niềm tin giành ưu thế trong thương lượng song phương với các láng giềng nhỏ hơn. Còn Mỹ và nhiều nước trong khu vực lại kêu gọi giải quyết tranh chấp ở diễn đàn đa phương.

Thái An (theo Chosun)