Mỹ đang kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc tránh xa các hành động khiêu khích, tạo điều kiện cho đối thoại để giải quyết tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. Ảnh: m24digital

Quần đảo này ở biển Hoa Đông, nằm dưới sự kiểm soát của Nhật nhưng Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền. Bình luận về các diễn biến mới nhất trong tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: "Họ cần làm việc để giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn chứ không phải thông qua khiêu khích".

Các nhà hoạt động Nhật Bản hồi cuối tuần đã tới Uotsuri, đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, giới chức Nhật đã trục xuất 14 nhà hoạt động Trung Quốc sau khi họ tới quần đảo vào hôm thứ tư.

Sau những động thái này, nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối Nhật đã diễn ra ở Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa nói “rất lấy làm đáng tiếc” về hành động đập phá các nhà hàng Nhật Bản và ô tô trong khi diễn ra các cuộc biểu tình chống Nhật ngày 19/8 ở một số thành phố của Trung Quốc. Ông yêu cầu Bắc Kinh áp dụng “tất cả các biện pháp có thể” để bảo vệ các công dân và công ty của Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc.

Ông Niwa nhấn mạnh Nhật Bản “không bao giờ có thể chấp nhận những lời phản đối của phía Trung Quốc” đối với việc người Nhật lên đảo, nhắc lại quan điểm của Tokyo rằng không có gì nghi ngờ về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế rằng quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản. Ông Niwa cũng yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn các vụ việc giống như việc đổ bộ lên quần đảo Senkaku của các nhà hoạt động Trung Quốc hồi tuần trước.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh đã “phản đối mạnh mẽ” việc 10 người Nhật lên đảo Uotsuri, đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku và yêu cầu Nhật Bản chấm dứt các hành động phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngoài tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn có tranh chấp với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết vùng biển này bất chấp cả những ranh giới lượn sát bờ biển của nước khác. Trong khi đó, Mỹ luôn kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông và tăng cường hỗ trợ quân sự với một số quốc gia Đông Nam Á.

Thái An (tổng hợp)