- Tập sách Địa dư đồ khảo do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn công bố xác nhận Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Điểm cực nam của Trung Quốc là Quỳnh Châu - đảo Hải Nam ngày nay.


Sáng 28/8, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã công bố tại TP.HCM tập tài liệu Địa dư đồ khảo được tìm thấy trong tủ sách của gia đình họ Trần do Thượng thư Trần Đình Bá (1867-1933) để lại, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Địa dư đồ khảo do nhà Thanh biên soạn, thời kỳ đầu triều Quang Tự (1875-1908) ở Trung Quốc, trong đó có nhiều bản đồ được vẽ tay trên một loại vải lụa đặc biệt, qua cả trăm năm mà không hề bị phai màu, hay mục rách. Cụ Trần Đình Bá khi đó là Thượng thư Bộ hình triều Khải Định đã sao chép lại cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (hiện nay là số 114 Mai Thúc Loan, TP Huế).

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn công bố tập Địa dư đồ khảo


Tập sách có 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, gồm 20 mặt khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ đính kèm; khảo cứu 7 tỉnh có bản đồ: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam... của Trung Quốc; khảo cứu các nước có chung lãnh thổ với Trung Quốc: Mãn Châu khảo lược, Mông Cổ khảo lược, Thanh Hải, Tây Tạng khảo lược, Triều Tiên khảo lược, Tân Cương khảo lược, Việt Nam, Tiêm La, Miến Điện khảo lược, Phú Đinh An Đông Kinh (toàn đồ), Nhật Bản khảo lược và các khu vực lớn xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ...

Địa dư đồ khảo xác nhận Quỳnh Châu tức đảo Hải Nam ngày nay là biên giới cuối cùng của Trung Quốc. Ngày nay tại Du Lâm, cực nam của Hải Nam vẫn còn các tảng đá rất to ghi hàng chữ lớn: Thiên nhai hải giác (chân trời góc biển) hoặc Hải khoát thiên không (biển rộng trời rộng, mênh mông vô bờ bến).

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết: Địa dư đồ khảo không chỉ khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam mà một số học giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc có cách nhìn công tâm cũng đã khẳng định đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc.

Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa đã viết: Một hôm có một chiếc tàu buôn của Pháp chở đồng đi qua khu vực vùng biển Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - NV) thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận bằng chứng để khi về báo cáo và đòi bảo hiểm bồi thường.

Khi viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam để trình báo với tri phủ địa phương, viên quan địa phương nói với thuyền trưởng người Pháp: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên nhai hải giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản lý được mà cũng không muốn quản lý”.

Đó là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế, nói lên rằng: Chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình cũng không đảm trách công tác trị an ở đó.

Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những cho đây là lãnh thổ của mình mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chứng minh Hoàng Sa từ xưa đến nay là của Việt Nam.

Có mặt tại buổi công bố, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Nguyễn Khắc Thuần bày tỏ quan điểm, Địa dư đồ khảo là một trong những cống hiến về tư liệu góp bổ sung, nâng cao nhận thức đâu là diện tích quốc gia của Việt Nam.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái bổ sung quan điểm rằng: “Hiện nay Trung Quốc đã có những đầu tư về mặt tư liệu, trong đó nhiều tư liệu thời nhà Thanh đã được biên soạn và in lại. Việc công bố Địa dư đồ khảo hôm nay sẽ góp phần mở rộng để những người dân còn giữ những tư liệu quý giá góp bằng chứng cho việc đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo thêm thuyết phục”.

Còn Thiền sư Lê Mạnh Thát lưu ý: “Tôi biết nhiều thư viện ở Mỹ cũng chứa rất nhiều tư liệu của Trung Quốc. Vì vậy chúng ta nên tham khảo để in ấn. Chúng ta không nên coi thường kho tư liệu của Trung Quốc, trong đó Địa dư đồ khảo là một bằng chứng thuyết phục cho việc đấu tranh ngoại giao”.

Lê Huyền