- Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí tại 26 lô ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
>> Báo TQ dọa Ấn Độ về thăm dò dầu khí Biển Đông
>> Ấn Độ quyết hợp tác dầu khí với Việt Nam
>> Khi bão lớn dồn về Biển Đông
>> Ấn Độ quyết hợp tác dầu khí với Việt Nam
>> Khi bão lớn dồn về Biển Đông
Trong số này, có 22 lô ở Biển Đông - vùng biển chiến lược quan trọng. Nhiều lô nằm ở gần vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước khác. Theo giới phân tích, động thái mới này của Trung Quốc đã “đổ thêm dầu vào lửa” căng thẳng trong chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển châu Á.
CNOOC đã đưa ra 26 lô trong vòng mời thầu thứ hai của năm nay, theo tuyên bố đăng trên trang web của tập đoàn này. Hãng Bloomberg cho biết, một địa điểm trong số các lô trên gọi là 65/12 gần lô 65/24 mà Việt Nam từng đề cập hồi tháng ba khi cực lực phản đối CNOOC vi phạm chủ quyền (CNOOC đã tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía bắc Biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 1 hải lý).
CNOOC lại tiếp tục mời thầu ở Biển Đông. Ảnh: emergingmoney |
Một lô khác, 41/08, nằm gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Lời mời thầu của tập đoàn năng lượng ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc xuất hiện giữa lúc căng thẳng leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản về việc khẳng định chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư.
Trong số 26 lô mời thầu mới mà Trung Quốc đưa ra, ngoài 22 lô ở Biển Đông, còn có 3 lô ở biển Hoa Đông và một ở phía bắc vịnh Bột Hải. Theo hãng tin Reuters, thông báo mời thầu này có thể là lần mở thầu lớn nhất của CNOOC kể từ thập niên 1990.
Trước đó, ngày 23/6, CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 26/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Cần khẳng định khu vực mà CNOOC thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".
Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên.
Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây hấn trong nỗ lực đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bất chấp cả những ranh giới lượn sát bờ biển của nước khác. Ngoài mời thầu phi pháp nói trên, Trung Quốc còn lập ra cái gọi là “Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với phạm vi quản lý là ba nhóm đảo chính ở Biển Đông. Quân ủy Trung Quốc thậm chí còn phê chuẩn việc thành lập một đơn vị đồn trú ở “Tam Sa”.
Thái An (theo Reuters, Bloomberg)