Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh sau các cuộc hội đàm tại Indonesia khi bà bày tỏ hy vọng có tiến triển trong việc giải quyết các căng thẳng ngày một gia tăng ở Biển Đông.

Hillary Clinton cam kết đưa ra một thông điệp mạnh mẽ với Trung Quốc trong chuyến công du châu Á lần này về sự cần thiết phải làm dịu căng thẳng trong khu vực xung quanh tranh chấp hàng hải. Theo giới phân tích, đây là vấn đề có thể là nguy cơ gây ra đối đầu quân sự giữa hai cường quốc Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters

Lần mới nhất bà Clinton thăm Bắc Kinh, với những kế hoạch nhấn mạnh vào sứ mệnh cải thiện quan hệ Trung - Mỹ đã bị chệch hướng vì một nhà hoạt động khiếm thị bất đồng chính kiến Trung Quốc. Lời qua tiếng lại hai bên về nhà hoạt động này đã phơi bày sự bất đồng sâu sắc trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong chuyến công du lần này, hòn đá tảng trong quan hệ Trung - Mỹ lại là các tranh chấp hàng hải ở những khu vực giàu tài nguyên năng lượng và có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Những tranh chấp ấy đặt Trung Quốc ở vị trí đối lập với các đồng minh khu vực của Mỹ.

Khi bà Clinton chuẩn bị tới Bắc Kinh, các quan chức Mỹ nói rằng, bức thông điệp là sự khẳng định lần nữa về hợp tác và đối tác cũng như một cơ hội quan trọng để trao đổi quan điểm lập trường trong một năm trọng yếu của sự chuyển giao chính trị diễn ra ở cả hai bên.

Tuy nhiên, bất an vẫn còn, và trở nên sâu sắc thêm vì tranh chấp ở Biển Đông, Hoa Đông làm cả khu vực lo lắng. Tranh chấp diễn ra hầu như cùng lúc khi Washington tuyên bố chiến lược "trục xoay" về khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau nhiều năm hoạt động quân sự tại Iraq và Afghanistan.

Cả hai chính phủ còn bận tâm với các hoạt động chính trị trong nước. Chính quyền Obama lao vào cuộc tái tranh cử căng thẳng trong tháng 11, Trung Quốc thì chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng nhất thập niên.

"Không áp chế"

Tại Jakarta hôm thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã thúc giục Trung Quốc và các láng giềng Đông Nam Á nhanh chóng xúc tiến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Bà nhấn mạnh, các tranh chấp cần được giải quyết mà "không áp chế, không đe dọa, không hăm dọa và chắc chắn không sử dụng vũ lực".

Tuy nhiên, tiến triển về một bộ quy tắc ứng xử đã bị cản trở trong các tháng gần đây vì sự quả quyết và gây hấn ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nước này thậm chí đã thành lập một đơn vị đồn trú ở đảo tranh chấp và tăng cường tuần tra các vùng nước tranh chấp.

Điều này cho thấy Bắc Kinh không có ý định thoái lui yêu sách chủ quyền đơn phương của họ với cả một khu vực rộng lớn ở Biển Đông giàu trữ lượng dầu khí.

Theo các nhà phân tích chính trị, bà Clinton đang đối mặt với một sứ mệnh khó khăn, làm sao để hành động cân bằng giữa việc vừa thúc đẩy giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, trong khi vẫn giữ được hợp tác đúng hướng ở nhiều vấn đề khác bao gồm kiềm chế các chương trình hạt nhân Triều Tiên, Iran, cuộc khủng hoảng Syria và các tranh cãi kinh tế tồn tại lâu nay giữa hai nước.

"Một trong những thách thức trước mắt chúng tôi là chứng tỏ cách giải quyết thế nào với những lĩnh vực tồn tại các nhận thức khác biệt", một quan chức cấp cao Mỹ nói. Về phần mình, trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, Bắc Kinh có lẽ sẽ lặp lại quan điểm phản đối cách tiếp cận đa phương trong vấn đề Biển Đông.

Được hỏi về vấn đề này hôm thứ hai, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với báo giới rằng "các quốc gia ngoài khu vực nên tôn trọng những chọn lựa của các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông".

Báo chí Trung Quốc thậm chí còn thẳng thừng hơn. Tờ Thời báo Hoàn cầu hôm thứ ba đã cáo buộc bà Clinton "làm gia tăng sự nghi kị lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ".

Điều gì sẽ tới?

Các hoạt động hôm thứ tư của Ngoại trưởng Mỹ sẽ bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người được coi sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trở thành nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào cuối năm nay.

Ông Tập Cận Bình đã tới thăm Mỹ hồi tháng 2 trong chuyến công du "làm quen" và các quan chức Mỹ cho rằng, ông là một nhà lãnh đạo điềm tĩnh. Nhưng những lo ngại xung quanh việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và cách hành xử gây hấn của họ trong các tranh chấp khu vực đã khiến Washington "bối rối" trong đánh giá về những ngôi sao chính trị của Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng có những lo ngại của họ và không muốn Mỹ là trung gian trong tranh chấp Biển Đông cũng như các tranh chấp tương tự ở những vùng biển khác.

Trong khi Washington khẳng định họ không đứng về phía nào trong cạnh tranh chủ quyền và đơn giản là chỉ muốn một cơ chế được thiết lập để giải quyết chúng, thì lời thúc giục mạnh mẽ của họ với Trung Quốc chỉ nhận được phản ứng thờ ơ từ Bắc Kinh.

Ở chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 4, nhà hoạt động bất đồng chính kiến Trần Quang Thành đã trở thành chuyện tâm điểm. Các quan chức Mỹ hy vọng sẽ không có "sự cố" nào tương tự xảy ra trong chuyến thăm kéo dài 24h đồng hồ của bà Clinton tại Bắc Kinh tuần này. Họ nói đây là thời khắc cho sự ổn định, chứ không phải khuấy động. "Tôi nghĩ, Ngoại trưởng dự định rất rõ ràng là nhấn mạnh sự quan tâm của chúng tôi trong việc duy trì một mối quan hệ mạnh mẽ, tích cực", quan chức cao cấp Mỹ cho biết.

Thái An (theo Reuters, Telegraph)