Một nhóm tàu cá Đài Loan đã hướng tới Senkaku/Điếu Ngư từ hôm qua. Báo chí Nhật Bản đưa tin, có khoảng 100 tàu cá Đài Loan có thể ở trong khu vực. Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo, 5 tàu giám sát chính phủ Trung Quốc đã ở trong vùng biển lân cận. Các tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản cũng luôn trong thế sẵn sàng...
Tranh chấp Trung - Nhật: cuộc giành giật ưu thế khu vực?
Trung Quốc muốn Mỹ ở ngoài tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư
Tàu cá Đài Loan đi ra Hoa Đông. Ảnh: AP |
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cho hay, khoảng 40 tàu cá và 8 tàu phòng vệ bờ biển Đài Loan đã tiến vào vùng biển thuộc về phạm vi lãnh thổ Nhật.
Theo giới phân tích, đây là động thái bất ngờ khiến chuyện tranh chấp hàng hải giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay, gần 200 tàu Trung Quốc đang đánh bắt ở vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp với Nhật.
Tuyên bố ngắn gọn từ phía Trung Quốc không nêu chi tiết về việc tất cả các tàu có mặt tại khu vực cùng một lúc, hay khoảng cách với quần đảo tranh chấp là bao xa. Một số nhà quan sát cho rằng, rất có thể Bắc Kinh gộp cả số tàu cá Đài Loan vào ước tính của họ.
Nhật coi sự xuất hiện của các tàu Đài Loan là sự vi phạm lãnh hải của Nhật |
Quan hệ Trung - Nhật đã suy yếu nhanh chóng sau khi Nhật quyết định mua một số đảo trong nhóm đảo tranh chấp tại Hoa Đông. Nhật gọi là quần đảo Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Động thái của Tokyo đã dẫn tới làn sóng biểu tình phản đối khắp Trung Quốc.
Tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật, bên phải và phía sau, bên trái là tàu Hải giám số 66 Trung Quốc, ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP |
Tranh chấp quần đảo - khu vực gần các bãi cá phong phú và có tiềm năng dầu khí, cũng đang đe dọa quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Sự hiện diện của các tàu đến từ Đài Loan chỉ làm tình hình thêm phức tạp.
Đài Loan có truyền thống quan hệ hữu nghị với Nhật Bản, nhưng hai bên từ lâu vẫn tranh cãi về quyền đánh bắt trong vùng biển. Quần đảo Senkaku nằm dưới sự quản lý của Nhật, nhưng Trung Quốc cũng đưa ra khẳng định chủ quyền.
Ảnh của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cho thấy một tàu tuần tra Trung Quốc ở vùng biển gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: france24 |
Căng thẳng leo thang vào thời điểm cả Trung Quốc và Nhật đều chịu áp lực từ chính trị trong nước. Chính phủ của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda phải đối mặt với một cuộc bầu cử sắp tới. Còn Trung Quốc chuẩn bị bước vào thời khắc chuyển giao quyền lực cao nhất trong suốt một thập niên qua (dự kiến vào tháng tới).
Thái An (tổng hợp)