Tuy có những đánh
giá đầy phấn chấn của các chuyên gia quân sự Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ vẫn chỉ được dùng để đào
tạo và thử nghiệm.
Quan chức Trung Quốc khẳng định,
tàu sân bay - con tàu bị "phế bỏ" ở Ukraine được Trung Quốc mua lại và tân trang
- sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, vấn đề tâm điểm trong cuộc tranh chấp giữa Trung
Quốc với Nhật về một quần đảo ở biển Hoa Đông.
Ảnh: AP |
Tuy những tuyên bố đưa ra đầy lạc quan và mạnh mẽ, tuy buổi chuyển giao tàu cho lực lượng hải quân có sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và tuy có những đánh giá đầy phấn chấn của các chuyên gia quân sự Trung Quốc, thì hiện tại, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ vẫn chỉ được dùng cho mục đích đào tạo và thử nghiệm.
Số hiệu "16" ở thân tàu sân bay cho thấy, nó bị giới hạn với phạm vi hoạt động chính là đào tạo huấn luyện, các chuyên gia quân sự cho biết. Trung Quốc chưa có máy bay có khả năng đáp xuống tàu sân bay. Cho tới nay công việc huấn luyện đáp hạ cánh trên tàu sân bay mới chỉ được thực hiện ở đất liền.
Mặc dù vậy, sự xuất hiện của tàu sân bay ở cảng Đại Liên đã tạo nên "cơn sốt" suốt 10 ngày qua khi Trung Quốc và Nhật xảy ra tranh chấp chủ quyền gay gắt với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Tàu sân bay sẽ "tăng cường sức mạnh hoạt động tổng thể của Hải quân Trung Quốc" và giúp Trung Quốc "bảo vệ hiệu quả chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển các lợi ích", Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Đại hội đảng Trung Quốc - kỳ đại hội chứng kiến sự chuyển giao lãnh đạo cấp cao nhất trong một thập niên - dự kiến diễn ra tháng tới. Theo nhiều nhà quan sát, việc công khai đưa con tàu vào hoạt động là một phần nỗ lực thúc đẩy đoàn kết quốc gia trước sự kiện này.
Trên phương diện các mục tiêu quốc tế, việc công khai con tàu dường như là cách gửi tín hiệu đến các quốc gia nhỏ hơn ở Biển Đông, trong đó có Philippines - một đồng minh của Mỹ - rằng, Trung Quốc đang gia tăng đáng kể việc triển khai các tài sản quân sự quan trọng.
Trong khi đó, các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã hạ bớt tầm quan trọng của con tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc vừa chính thức vận hành. Một số quan chức hải quân Mỹ thậm chí còn nói rằng, họ "cổ vũ" Trung Quốc tăng cường chế tạo tàu sân bay nội địa cùng các tàu đi kèm, vì nó sẽ gây ra sự lãng phí tiền bạc lớn.
Các chuyên gia quân sự bên ngoài Trung Quốc cũng đồng ý với các đánh giá trên. “Thực tế là, tàu sân bay không hữu ích với Hải quân Trung Quốc", You Ji, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu nó được sử dụng để chống lại Mỹ, nó sẽ khó tồn tại. Nếu để chống lại các láng giềng của Trung Quốc, thì đó là dấu hiệu của sự áp chế bắt nạt".
Theo ông You, cho tới nay, các phi công Trung Quốc vẫn giới hạn luyện tập hoạt động cất/hạ cánh trên tàu sân bay tại đường băng ở đất liền với loại máy bay J-8 của Trung Quốc chế tạo dựa trên mô hình MIG-23 của Liên Xô cách đây 25 năm. Các phi công không thể thực hiện một hoạt động khó khăn là cất/hạ cánh trên tàu sân bay di động vì Trung Quốc chưa có loại máy bay thích hợp.
Ông You cho rằng, câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ tiến về phía trước và chế tạo tàu sân bay nội địa của mình phần lớn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể phát triển máy bay cất/hạ cánh trên tàu sân bay hay không. “Đó là một quá trình rất dài để có thể chế tạo loại máy bay như vậy", ông nhấn mạnh.
Trái ngược với hoài nghi của các chuyên gia quân sự nước ngoài, Lí Kiệt, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc nói rằng, tàu sân bay sẽ thay đổi tư duy truyền thống của hải quân, mang tới những bước ngoặt về chất lượng trong phong cách và cơ cấu hoạt động của lực lượng này. Mặc dù quân đội Trung Quốc không công khai chi tiết chi tiêu quân sự, nhưng các chuyên gia quân sự nước ngoài nói rằng, hải quân được đầu tư ít hơn lục quân và không quân.
Thái An (theo New York Times)