Nhật Bản sẽ không thỏa hiệp về vấn đề biển đảo - tâm điểm cuộc tranh chấp với Trung Quốc khi Tokyo luôn có chủ quyền với nhóm đảo ấy, Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố.
Phát biểu của ông Noda được đưa ra
sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng, nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật là
"lãnh thổ thiêng liêng" của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật trong một cuộc họp báo tại New York sau phiên họp Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters |
"Senkaku là một phần vốn có của lãnh thổ chúng tôi về mặt lịch sử cũng như theo quy định của luật pháp quốc tế", ông Noda nói về nhóm đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. "Ở đây không tồn tại vấn đề lãnh thổ. Vì thế, không thể có bất kỳ thỏa hiệp nào thể hiện sự lùi bước khỏi lập trường này", ông nói trong một cuộc họp báo tại New York sau khi tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ.
Sáng qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, ở cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung - Nhật, phía Trung Quốc khẳng định nhóm đảo tranh chấp ở Hoa Đông là "lãnh thổ thiêng liêng của mình từ thời cổ đại". Quan hệ hai bên xấu đi trông thấy kể từ khi Nhật mua một số đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong cuộc hội đàm kéo dài cả giờ đồng hồ bên lề phiên họp LHQ, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã thúc giục Trung Quốc thể hiện sự kiềm chế trong tranh chấp. Các nhà ngoại giao Nhật mô tả cuộc gặp là "căng thẳng" khi ông Gemba hứng chịu sự nặng lời từ người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Thủ tướng Nhật khẳng định, Tokyo sẽ giải quyết tranh chấp một cách thận trọng để bảo vệ quan hệ với các láng giềng. "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng, các trường hợp này sẽ không ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương. Chúng tôi sẽ duy trì lý trí và cố gắng giải quyết vấn đề một cách điềm tĩnh cũng như đảm bảo tốt kênh thông tin liên lạc hai bên", ông nhấn mạnh.
Chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura nói trong cuộc họp báo tại Tokyo rằng, hai bên nhất trí duy trì đàm phán.
Ông Noda bày tỏ sự thất vọng rằng, ông đã "liên tục giải thích với phía Trung Quốc lý do mua đảo, nhưng đáng tiếc là phía Trung Quốc không chấp nhận. Tôi phải nói rõ với Trung Quốc rằng, không có lý do gì cho bạo lực và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc bảo vệ công dân, doanh nghiệp của Nhật Bản".
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang hạn chế hoạt động ở Trung Quốc do làn sóng biểu tình phản đối. Trung Quốc cũng đã có các cuộc gặp với nhà ngoại giao Nhật - ở LHQ cũng như ở Bắc Kinh - và khẳng định, Bắc Kinh không muốn tranh chấp đảo dẫn tới sự đổ vỡ trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, các tàu tuần tra của Nhật và Trung Quốc vẫn đang chơi trò mèo vờn chuột ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp, làm dấy lên quan ngại rằng, một sự cố bất ngờ có thể leo thang thành xung đột lớn hơn.
Tranh chấp xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc sắp chuyển giao lãnh đạo cấp cao nhất một thập niên qua, và đảng cầm quyền của ông Noda thì đối mặt với nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử tới. Thủ tướng Nhật đang chịu nhiều chỉ trích từ đảng đối lập chính - đảng đã chọn cựu thủ tướng Shinzo Abe, người cứng rắn trong vấn đề an ninh, lên làm lãnh đạo mới.
Ông Abe là một ứng viên tiên phong trong việc thúc giục Tokyo cứng rắn hơn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, phát biểu hôm thứ tư, ông đã đưa ra tuyên bố cân bằng hơn. "Chúng ta phải thể hiện ý chí bảo vệ lãnh thổ và Senkaku giữa các động thái của Trung Quốc", ông nói sau khi trở thành lãnh đạo mới của đảng đối lập. "Nhưng thậm chí nếu lợi ích quốc gia bị xung đột, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng, chúng ta cần nhau và kiểm soát tình hình trong một tư duy chiến lược".
Thái An (theo Reuters)