- Có lẽ các vị chưa bao giờ đi chợ, mua mớ rau, con cá, nên không hiểu được nhu cầu bức thiết của người dân. Các bộ, ngành hãy ngừng xây trụ sở mới to đẹp, hoành tráng... thì sẽ có tiền để tăng lương.


Phản hồi chủ trương hoãn tăng lương, độc giả mong những người làm chính sách hãy thử ra chợ một lần trước khi ngồi vào bàn giấy hoạch định chi tiêu ngân sách quốc gia.

Còn gì để hy vọng?

Theo phản ánh của đa số độc giả, đồng tiền eo hẹp của những người làm công ăn lương vốn chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu. Do đó, đa số đều trông chờ việc tăng lương theo lộ trình để chi trả cho sinh hoạt. Việc Chính phủ dự kiến trì hoãn tăng lương do ngân sách eo hẹp đã khiến không ít người dân buồn lòng.

Bạn Minh Hà (minhha56@...) cho rằng, vẫn biết khi nguồn tăng lương trông chờ vào bầu sữa ngân sách nhà nước thì đối mặt với khó khăn kinh tế, chi thường xuyên sẽ bị cắt giảm, ngân sách dành cho tăng lương tối thiểu phải mỏng đi và quyết định hoãn tăng lương không có gì ngạc nhiên. Nhưng rất mong lãnh đạo cấp cao nhớ đến mục tiêu “bảo đảm an sinh xã hội” vốn được nhắc đến liên tục thời gian qua.

Nếu lập luận 9 năm nay có 8 lần tăng lương thì phải xem 9 năm trước, một bà nội trợ chỉ với ba chục nghìn trong túi có thể mua một con gà, nay đã tăng gấp 3-4 lần. Ảnh: Minh Thăng

Theo độc giả Tuấn Nam (tuannam45@...) rất mong những người hoạch định chính sách đừng vì mải lo tính toán những bài toán lớn như ngành này thu bao nhiêu % ngân sách, ngành kia chi bao nhiêu % mà quên tính những bài toán nhỏ hơn nhưng thiết yếu, cấp bách với đời sống người dân.

“Có lẽ các vị chưa bao giờ phải tự mình đi chợ, mua mớ rau, con cá, không phải tính đến việc hôm nay lỡ mua 100 ngàn thì ngày mai chỉ được mua tối đa 60... nên không hiểu được nhu cầu bức thiết của người dân. Các bộ, ngành hãy làm cho hết trách nhiệm đối với dân, hãy ngừng xây những trụ sở mới to đẹp, hoành tráng; hãy giám sát để những cây cầu đang xây không bị rút bớt xi măng, rút bớt thép... thì sẽ có tiền để tăng lương”, độc giả Tuấn Nam viết.

Bạn thonuithanhqn@... phàn nàn, mức lương tối thiểu hiện đang rất thấp, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, đa số người dân đang phải thắt lưng buộc bụng. “Nếu không tăng lương thì những người đã về hưu, người có công, mất sức lao động sẽ biết trông chờ vào đâu?”.

Độc giả hoadaquy.pleiku@... cũng than thở, trong bối cảnh khó khăn, mọi người vẫn động viên nhau cố gắng làm việc đợi sang năm tăng lương may chăng điều kiện sống sẽ tốt hơn. “Vậy giờ không tăng lương dân còn gì để hy vọng? Làm việc như thế nào đây, hay lên cơ quan rồi làm đủ giờ và về thôi?”.

Không tăng nghĩa là giảm

Cũng theo nhiều độc giả, nếu lương không tăng thì đồng nghĩa với giảm. Nhiều hệ lụy khác cũng được phân tích.

Bạn Lê Tiến Đạt (datdantoc@...) nêu thực trạng, hiện nay cán bộ, công chức không thể sống bằng lương và đang phải chân trong chân ngoài để đảm bảo cuộc sống, hoặc lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để "kiếm" thêm thu nhập (không chính đáng) dẫn đến "tham nhũng vặt" và giảm sút chất lượng công việc. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay thì phải tăng lương đúng lộ trình, đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình thì mới phục vụ đất nước, nhân dân được tốt hơn.

Các chiến lược cải cách hành chính xưa nay đều đặt trọng tâm cải cách lương để cán bộ, công chức an tâm làm việc.

Độc giả maiphan (phanmai.dpy@...) cũng bức xúc, từ 2003 đến nay tuy nói là tăng lương tới 8 lần nhưng mỗi lần chỉ 100-200 ngàn đồng, trong khi lạm phát và trượt giá cao gấp bội. Lương tối thiểu chỉ đủ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu nên bấy lâu nay đội ngũ làm công ăn lương chỉ loay hoay đi kiếm cửa làm thêm. Việc trì hoãn tăng lương cũng làm mất động lực lao động, và chỉ càng khiến cho tình hình trì trệ thêm.

Bạn Hoang Nguyen (nguyenhoang@...) còn nói thẳng, rồi sẽ còn nhiều người có tâm và có tài rời bỏ khu vực nhà nước hơn nữa.

Bạn quyhoang57@... đưa ra phép tính, nếu lập luận rằng 9 năm nay có 8 lần tăng lương thì phải xem 9 năm trước một bà nội trợ chỉ với ba chục nghìn trong túi có thể mua cho cả nhà một con gà, còn nay thì đã tăng gấp 3-4 lần.

“Rồi còn nhiều thứ thiết yếu cho đời sống, chỉ mong những người làm chính sách chịu khó ra chợ rồi hãy làm chính sách”, độc giả này viết.

Ngọc Lê

Phần 2: Độc giả hiến nhiều “kế sách” để Chính phủ tăng nguồn thu, giảm hao hụt ngay cả khi tăng lương. Đó là quyết liệt chống tham nhũng, truy thu các khoản nợ đọng và tích cực giảm chi tiêu công, thắt chặt hầu bao Chính phủ.