Chỉ trong vòng 35 năm, đảng cầm quyền của Trung Quốc đã lãnh đạo chuyển đổi đất nước từ một nền kinh tế lạc hậu sang một nền kinh tế khổng lồ đứng thứ hai thế giới. Người dân Trung Quốc đã trải nghiệm cuộc sống giàu có hơn, tiếng tăm đất nước được khôi phục.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị bước vào thời khắc quan trọng - chuyển giao quyền lực cao nhất một thập niên, nhiều người đã nói tới yêu cầu cải tổ cấp bách để nước này có thể bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.


Chuyển giao thế hệ

Hàng ngàn cán bộ và nhân sự cấp cao của Trung Quốc sẽ nghỉ hưu sau kỳ đại hội dự kiến diễn ra vào tháng 11. Thay đổi sâu sắc nhất cũng sẽ diễn ra trong Ban thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc, 7 trong 9 thành viên hiện nay sẽ nghỉ hưu, mở đường cho một thế hệ mới lên nắm quyền.



Thách thức mô hình

Ưu tiên của tầng lớp lãnh đạo mới là kinh tế, khi tăng trưởng đang chậm lại. Nhiều nhà phân tích tin rằng, mô hình phát triển của Trung Quốc giờ đây cần phải thay đổi. Họ muốn lĩnh vực tư nhân có vai trò lớn hơn, người tiêu dùng được khuyến khích chi tiêu. Tuy nhiên, vấn đề lợi ích sẽ gây tranh cãi trước bất kỳ nỗ lực cải cách nào.


Bất ổn xã hội

Mô hình kinh tế Trung Quốc đang tạo ra một xã hội bất bình đẳng hơn, có nguy cơ gia tăng căng thẳng xã hội. Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc nằm trong số lớn nhất ở châu Á. Khoảng 250 triệu người di cư tới các thành phố không có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và an sinh. Chính quyền trung ương đã bắt đầu giải quyết vấn đề này như mở rộng giáo dục và bảo hiểm y tế. Nhưng chính quyền các địa phương - nơi cung cấp trực tiếp các dịch vụ - thì nói thiếu ngân quỹ để nỗ lực nhiều hơn.


Dân số già

Một thách thức lớn khác là dân số già hóa. Chính sách một con đồng nghĩa với việc ngày càng có ít nhân công trẻ hơn và chi phí lương hưu cho người cao tuổi ngày càng nhiều hơn. Hàng triệu nông dân có thể tới các thành phố trong những thập niên tới, cung cấp nguồn lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng họ có thể không làm vậy trừ phi quyền sử dụng đất được cải cách và kiểu phân biệt đối xử bị hủy bỏ.


Ô nhiễm

Hứng chịu tổn thất từ phép màu thành công kinh tế, Trung Quốc sở hữu 16 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nước thủy lợi bị ô nhiễm vì hóa chất. Cải thiện môi trường trong khi hàng trăm triệu người muốn nhà mới, xe mới và tiêu dùng hàng hóa khó có thể cân bằng được.


Tiếng nói của dân

Các nhà hoạt động, nhà phê bình mong muốn dân thường có tiếng nói hơn. Tuy nhiên, chưa ai trong số ứng viên thế hệ lãnh đạo mới bày tỏ hứng thú với cải cách chính trị. Nhiều khả năng họ sẽ đặt ưu tiên vào ổn định xã hội và hy vọng tăng trưởng kinh tế có thể đảm bảo trong thập niên họ cầm quyền.


Thái An (theo BBC)