- Thảo luận tại các tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH cho rằng Chính phủ cần thông tin công khai, minh bạch về khó khăn để dân chia sẻ.


'Vẫn quan liêu, bình thản'

Điểm tích cực nhất trong báo cáo Chính phủ là những lời nhận lỗi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng phải chờ đợi hành động cụ thể phía sau lời nhận lỗi. Bởi công tác quản lý của Chính phủ vừa qua đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập.

Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), việc nhận lỗi của Thủ tướng, cử tri mừng nhưng chưa tin và còn kỳ vọng nhiều hơn nữa vào quyết tâm chính trị sau đó. Chính phủ phải tăng cường thông tin minh bạch cho dân về những khó khăn của nền kinh tế. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng phản ánh, dân thấy nhận lỗi thẳng thắn như vậy thì rất ủng hộ, nhưng đằng sau đó còn là cả một câu chuyện lớn.

Nhiều ĐB khác cũng phân tích các lỗi điều hành vừa qua đã dẫn đến tình trạng nền kinh tế suy yếu, DN đứng bên bờ vực phá sản, hệ thống ngân hàng tài chính chưa giải quyết được “cục máu đông” nợ xấu, đời sống nhân dân chưa được cải thiện.

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Không thấy bộ ngành có quyết sách đột phá

“Nhưng bộ máy quản lý không chuyển biến, vẫn quan liêu, bình thản trong khi tình hình đòi hỏi thay đổi… Chúng tôi không thấy bộ ngành có quyết sách đột phá để đưa nền kinh tế vượt lên”, ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) than phiền.

Còn theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), tuy Thủ tướng đã nhận trách nhiệm chính trị nhưng còn tập thể Chính phủ lại chưa thấy đánh giá bộ ngành nào làm tốt, nơi nào còn trì trệ.

“Nếu sắp tới QH đánh giá tín nhiệm mà chúng tôi không biết Chính phủ đánh giá các bộ thế nào thì ra Quốc hội chúng tôi biết biểu quyết thế nào? Ít ra cũng nên có đánh giá là năm vừa qua có 5 hay 6 bộ hoàn thành nhiệm vụ”, ông Phương góp ý.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng băn khoăn, Thủ tướng nhận khuyết điểm, nhưng xin lỗi cho những vấn đề điều hành trong năm 2012 hay chỉ là vấn đề trước kia? Hay nhân việc kiểm điểm của TƯ Đảng mà Chính phủ xin lỗi?

“Đề nghị Thủ tướng giải trình về vấn đề này. Xin lỗi chỉ nói do điều hành kinh tế yếu kém đẫn đến Vinashin, Vinalines thua lỗ chứ không phải là những vấn đề của năm 2012”, ông Sơn phân tích.

Theo ông Sơn, bằng giờ này năm ngoái tại kỳ họp thứ hai, QH cũng đưa ra các nhận định về tình hình kinh tế khó khăn, nghiệm ra rất đúng với tình hình hiện nay.

“Vậy quản lý điều hành thế nào mà không đạt? QH có thiếu sót gì? Không làm rõ thì lại nhất trí, sang năm cũng lại nói vậy, không ai chịu trách nhiệm. Khi ra nghị quyết như vậy mà không đạt được thì trách nhiệm tại ai, QH có trách nhiệm gì, vai trò giám sát như thế nào, Chính phủ có trách nhiệm gì? Tất cả đều không rõ”, ông Sơn phàn nàn.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) ví von, việc điều hành kinh tế của Chính phủ chẳng khác gì “vặn vòi nước”, lúc mở ra, khi đóng vào để kiềm chế lạm phát.

“Điều hành như vậy, ai cũng làm được. Đó là do lỗi điều hành, chứ không phải khó khăn của kinh tế thế giới tác động. Cử tri bức xúc vì đời sống ngày càng khó khăn hơn, con em họ mất việc làm nên không còn tin vào chính sách”, ông Bảo nói.

Nhiều ĐB còn hoài nghi về các thông tin trong báo cáo vì cho rằng Chính phủ chưa công khai minh bạch con số và tình trạng khó khăn để kêu gọi sự chia sẻ, đồng thuận từ người dân.

Nói rõ khó khăn

Bởi theo phản ánh của các ĐBQH, tình hình làm ăn của DN còn khó hơn rất nhiều so với thông tin mà Chính phủ đưa ra.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phàn nàn, chính sách vĩ mô lúc thắt chặt, lúc nới lỏng làm cho nền kinh tế lúc nóng lúc lạnh, thị trường thiếu niềm tin về kinh tế vĩ mô. Nhà đất đóng băng chưa có phục hồi, tín dụng giảm, nợ xấu tăng.


ĐB Đoàn Thế Cường (Hưng Yên), cho rằng cả ba khu vực nóng nhất thì Chính phủ đánh giá chưa tới tầm, là tồn đọng bất động sản, hoạt động ngân hàng và các DNNN. Đến nay, giá trị nợ đọng thực của bất động sản là bao nhiêu không ai biết.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt hơi cực đoan đang dư nợ trên 30%/năm mà năm nay chỉ có 2%/ năm. "Van" tín dụng đột ngột quá thì các DN làm gì có vốn. Có cho ăn cơm mới làm được việc, chứ đợi yếu quá rồi nhỏ "sâm" thì làm sao làm việc được”, ông Cường ví von. Theo ông, cần gỡ ba nút thắt này ngay trong năm 2013.

Nhiều giải pháp phá “băng” bất động sản và xử lý nợ xấu đã được mổ xẻ, như kích cầu tiêu dùng, kích cầu trực tiếp vào dân để tăng sức mua…

Chẳng hạn, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng nên hà hơi tiếp sức tín dụng cho dân với phân khúc thị trường căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng bởi đây là khu vực “cầu” vẫn rất nhiều. Giải pháp là ngân hàng hỗ trợ cho vay để dân có thể trả nợ trong thời gian dài. “Nên bơm vốn cho người mua chứ không phải cho DN bất động sản”, ông Hòa nói.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, chí ít thì đại biểu QH phải biết nợ xấu đang ở chỗ nào để có hướng ủng hộ Chính phủ. Giải pháp là cho phá sản nếu quá tệ, thậm chí cho xử lý hình sự.

“Chứ đọc báo cáo thấy ù ù cạc cạc, đọc lên không biết nợ xấu ở đâu, rồi cứ lấy ngân sách để trả. Yêu cầu phải nói rõ khó khăn ở đâu để có điều hành trong tầm vĩ mô và toàn dân xúm vào giúp Chính phủ giải quyết”, bà Khánh nói.

                4 nguyên nhân chủ quan

Rất nhiều hậu quả của ngày hôm nay chúng ta đã tiên đoán từ 2-3 kỳ QH trước đây và có cảnh báo. Nhưng nó không đi đến đâu cả, cứ như nói vào không khí thôi.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (phải): Phải chăng ĐBQH quá bé nên chả ai buồn nghe?

Tôi băn khoăn chúng ta thảo luận, huy động trí tuệ của ĐBQH, cùng với Chính phủ cơ quan hữu quan góp sức, hiến kế, tìm ra nguyên nhân, giải pháp, xong cứ như vào không khí vậy, chả ai lắng nghe, chả ai muốn sửa chữa cả. Điều này tôi thấy bức xúc, phải chăng ĐBQH quá bé nên chả ai buồn nghe?

Nguyên nhân, yếu kém, tồn tại ngày hôm nay, chúng ta nói quá nhiều nguyên nhân khách quan nhưng chưa phân tích nguyên nhân chủ quan.

Thứ 1, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ kém trên nhiều phương diện từ quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện. Phải có giải pháp ngay về nguồn lực, con người.

Thứ 2, phẩm chất, đạo đức suy thoái xuống cấp. Thứ 3, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong cả tổ chức hoạch định và thực hiện chính sách. Thứ 4, nạn chạy chức chạy quyền không chỉ làm phá nát đất nước, mà còn làm cho người có nhân cách, năng lực quá mệt mỏi. Rồi bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, trách nhiệm không rõ trong công vụ.

            (Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền)

L.Nhung - T.Thủy - X.Linh - Ảnh: L.A.Dũng