- Thẩm tra dự thảo luật Đất đai sửa đổi, đa số ý kiến trong UB Kinh tế QH đồng tình do đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể.

>> Định giá đất không được 'tù mù'

>> Luật Đất đai và những bức xúc không thể bỏ qua

Khung giá, bảng giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế xử lý chênh lệch giá tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Đa số ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc định giá theo thời hạn sử dụng đất vì quy định này có nghĩa là khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi thì sẽ không bồi thường giá trị quyền sử dụng cho người có đất bị thu hồi.

Có ý kiến đề nghị áp dụng phương pháp thu nhập để định giá đất nông nghiệp vì hiện nay khiếu kiện của người dân chủ yếu là giá đền bù đất nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Trần Hải

Thu hồi không được lãng phí đất

Đa số ý kiến trong UB Kinh tế tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu thu hồi theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm. Đề nghị đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí.

Một số ý kiến tán thành quy định các dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư. ý kiến đề nghị không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì phát sinh chênh lệch giá đền bù dẫn đến so bì và dễ xảy ra khiếu kiện trong nhân dân.

Đa số ý kiến tán thành quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng.

Về giá bồi thường cho người có đất bị thu hồi, nhiều ý kiến tán thành việc định giá phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra.

Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi sẽ được các ĐBQH thảo luận tại tổ ngày 6/11 và tại hội trường 19/11, buổi thảo luận này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Trong chương trình làm việc của kỳ họp này, QH cũng sẽ xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Trước thềm kỳ họp này, nhiều chuyên gia nhận định dự thảo luật Đất đai sửa đổi chưa có điểm nào thực sự đột phá trong bối cảnh luật năm 2003 bộc lộ nhiều hạn chế trong việc điều chỉnh các quan hệ về đất đai ngày càng phức tạp hiện nay.

Chung Hoàng