- Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão cho rằng, sự phối hợp giữa QH và cơ quan Đảng về công tác nhân sự lâu nay còn nhiều lúng túng. Nhân bàn chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, QH nên chủ động hơn.


“Bỏ phiếu bất tín nhiệm” mới chính xác
 
Quốc hội đang thảo luận đề án lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, được kỳ vọng sẽ tạo bước đổi mới trong công tác cán bộ. Ông nhận xét gì về chủ trương này?
 
- Nghị quyết Trung ương 4 có những chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp lòng dân, trong đó có vấn đề lấy phiếu tín nhiệm. Chủ trương này đã thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng trong đánh giá cán bộ.
 
Chủ trương thì đúng rồi, nhưng về cách làm thì nên trao đổi thêm.

Một là, năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, QH đã bổ sung điểm 7, điều 84: “QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Khi đó nhiều ý kiến cho rằng rằng bản chất của vấn đề là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhưng về mặt tâm lý, có người cho rằng cách gọi như thế sẽ gây ra sốc, vì thế nên dùng “bỏ phiếu tín nhiệm” để nhẹ nhàng hơn.
 
Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 vừa qua lại dùng "lấy phiếu tín nhiệm" chứ không dùng "bỏ phiếu tín nhiệm".

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão: Xem xét một con người phải rất thận trọng. Ảnh: Lê Nhung

 
Hai là, từ chủ trương của Đảng, Thường vụ QH xây dựng đề án lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trong đề án này dùng cả hai cụm từ lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng theo tôi, nên dùng “bỏ phiếu bất tín nhiệm” mới chính xác.
 
Hai vấn đề nêu trên cần được thảo luận cho thấu đáo để phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành và bảo đảm thực thi.

Theo đề án thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành hàng năm ở QH. Ông thấy việc lấy phiếu hàng năm như vậy có khả thi?
 
- Việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm phải qua các công đoạn: Một là, đương sự có bản trình bày về công việc mà mình đã làm trong năm qua; có ưu điểm, khuyết điểm gì. Hai là, đương sự được trình bày trước QH.

Ba là, QH thảo luận, đóng góp ý kiến. Bốn là, lấy phiếu tín nhiệm của các đại biểu. Thời gian dành cho công việc này sẽ không ít. Dù có giới hạn đối tượng lấy phiếu tín nhiệm thì cũng khoảng 50 người. Làm việc khẩn trương thì mỗi ngày được 4-5 người. Tổng thời gian phải 10 ngày.
 
Có người sẽ lập luận rằng không phải qua nhiều công đoạn như thế, nhưng tôi nhận thức rằng, đã xem xét một con người thì phải rất thận trọng, không thể đốt cháy giai đoạn.
 
Tiếp theo là giai đoạn bỏ phiếu. Phân tích như vậy để thấy rằng sẽ tăng thêm khối lượng công việc và một khoảng thời gian rất lớn trong kỳ họp QH. Như thế có khả thi không?
 
Có không ít ý kiến cho rằng nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay, ai tín nhiệm thấp thì nên rời vị trí công tác, chứ không cần thêm một công đoạn “lấy phiếu tín nhiệm” để tham khảo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
- Ý kiến này đúng nhưng chưa đủ. Nếu không sửa luật thì không có căn cứ để bỏ phiếu tín nhiệm ngay. Vì vậy, việc cần làm ngay là sửa đổi bổ sung điều 12 luật Tổ chức QH theo tư duy mới. Căn cứ vào đấy mới tiến hành bỏ phiếu được.
 
Tôi vẫn cho rằng  nên dùng từ bỏ phiếu bất tín nhiệm cho đúng bản chất. Không nên đặt ra hai quy trình lấy phiếu và bỏ phiếu. Những quy trình, thủ tục nêu trong đề án rất dài và vì vậy khó thực hiện.
 
Không làm được thì phải sửa luật
 
Các chức danh bỏ phiếu tín nhiệm hầu hết là ủy viên Trung ương Đảng. Vậy theo ông, để bỏ phiếu bãi nhiệm một nhân sự cấp cao ở QH thì cách làm sẽ phải như thế nào để đảm bảo sự hài hòa và đồng thuận trong công tác cán bộ?
 
- Điều 4 Hiến pháp đã ghi rõ là Đảng lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Ở đây có mối quan hệ giữa việc QH bỏ phiếu tín nhiệm với công tác quản lý cán bộ của Đảng.
 
Lâu nay sự phối hợp chưa tốt lắm, Ủy ban Thường vụ QH thường chưa chủ động nên dẫn đến lúng túng trong việc giải quyết công tác nhân sự. Chúng ta cần đổi mới toàn diện sự lãnh đạo của Đảng đối với QH, trong đó có công tác nhân sự.
 
Ban Công tác đại biểu có thể thay mặt Thường vụ QH nắm tình hình, trao đổi với cơ quan quản lý cán bộ của Đảng. Trao đổi trước hết là xây dựng quy trình, quy trình đó trước khi đưa ra Thường vụ cho ý kiến thì phải tham khảo ý kiến bên Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương...
 
Theo tôi, những tham khảo đó tạo sự phối hợp nhuần nhuyễn, cần thiết. Đồng thời, có thể thông báo cho bên Chính phủ, ví dụ lần này, qua ý kiến như vậy, Thường vụ dự định xem xét tín nhiệm đồng chí A, đồng chí B... các đồng chí có ý kiến gì không.
 
Tôi còn mong muốn nâng Ban Công tác đại biểu thuộc Thường vụ QH hiện nay thành Ủy ban Tổ chức và nhân sự của QH để đáp ứng cho yêu cầu công tác quan trọng này.
 
Lê Nhung