Chính người dân Ai Cập sẽ phải xác định tiến trình tự do và dân chủ. Đó là cuộc đấu tranh vì dân chủ của chính họ, đấu tranh để mang lại điều tốt đẹp ở những thời khắc tồi tệ nhất, đấu tranh vì những khó khăn còn ở phía trước.

Vui sướng vì thành công của “cách mạng sông Nile” tuần trước, người Ai Cập vẫn tiếp tục các hoạt động chào mừng và biểu tình khi họ hướng về một tương lai dân chủ, tự do ngôn luận và một chính phủ không tham nhũng.

Nhưng, nhìn vào những vấn đề tồn tại lâu dài của Ai Cập: đói nghèo, thất nghiệp, giá lương thực tăng vọt và nền kinh tế bị tàn phá sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ, không ai biết, khi nào tương lai sẽ bắt đầu. “Nó sẽ không phải là một tuần hay hai tuần, có thể sau sáu tháng”, Mohammad Ataya nói. Ông vừa mở lại cửa hiệu tại quảng trường Tahrir hôm thứ tư sau khi nơi đây diễn ra các cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày và kết thúc với sự từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak thứ sáu trước.

Người dân Cairo đang nỗ lực trở lại các hoạt động thường ngày. Ảnh: AP
Những người biểu tình giờ đây đang chờ đợi một cách thận trọng để xem quân đội - giờ đảm nhận trách nhiệm quản lý đất nước - có tuân thủ đầy đủ những cam kết hứa hẹn về công bằng xã hội hay không trong khi các nhóm bất mãn đang nổi lên và nền kinh tế bị đình trệ. “Đây là một trong ít lần trong đời tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ngày mai”, Hossam El Shafeey, một kỹ sư cho biết. “Tôi thậm chí không có một viễn cảnh hình dung nào trong đầu óc mình”.

Hôm thứ tư, hội đồng quân sự Ai Cập tuyên bố, luật khẩn cấp cho phép cảnh sát vây bắt những người phản đối chế độ Mubarak sẽ được dỡ bỏ trước khi bầu cử diễn ra. Mặc dù nhiều công nhân tỏ ra hài lòng với quân đội, từ bỏ đường phố, quay trở lại làm việc, thì các cuộc đình công bắt đầu trước khi ông Mubarak từ chức vẫn tiếp tục trên khắp cả nước.

Công nhân đã biểu tình bên ngoài sân bay quốc tế Cairo và 12.000 công nhân dệt may đã đình công tại một nhà máy ở thành phố Mahalla el-Kubra, theo nhật báo phố Wall. Hôm thứ hai, công nhân các ngành công nghiệp như giao thông vận tải, đã nghỉ việc, đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Tại Cairo, hàng trăm công nhân giận dữ tập trung ngoài tòa nhà truyền thông quốc gia, tuyên bố họ phải làm việc cả ngày với mức lương chỉ 50 USD/tháng.

Ở gần quảng trường Tahrir, hàng trăm sĩ quan cảnh sát đã tuần hành, hét vang khẩu hiệu “Tất cả chúng ta là người Ai Cập” trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của các đám đông tại quảng trường.

Cảnh sát mặc đồng phục và thường phục trong các cuộc biểu tình đã đổ lỗi cho cựu Bộ trưởng Habib El-Adly vì bạo lực làm hơn 350 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong suốt cuộc cách mạng. Ông El-Adly đã bị sa thải vào những ngày đầu biểu tình và giờ đây bị cấm đi lại, là đối tượng của cuộc điều tra với những tình nghi tham nhũng. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi vị bộ trưởng phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, và họ có được hứa hẹn về mức lương đảm bảo cuộc sống. Nhiều cảnh sát hiện nay phục vụ trong ngành khoảng 10 năm và chỉ nhận được mức lương chưa đầy 100 USD/tháng.

Các nhóm thiểu số người Ai Cập đã từng tham gia vào cuộc nổi dậy giờ đây cũng đòi quyền lợi cho chính mình. Người Nubia ở miền nam Ai Cập nói rằng, họ vui mừng khi ông Mubarak từ chức, nhưng lại không tin là quân đội có thể đảm bảo các quyền lợi cho họ.

Trong khi đó, Ai Cập đã mất 1,5 tỉ USD doanh thu du lịch trong năm nay, các ngân hàng và thị trường chứng khoán vẫn đóng cửa, đồng tiền xuống đến mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Rất nhiều công ty ngừng kinh doanh tại Ai Cập và đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh.

Theo nhà kinh tế học Marcus Marktanner, không có cách tính toán hay dự đoán nào về thời gian nền kinh tế Ai Cập có thể phục hồi. Ông cho rằng, tỉ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng khi chính phủ sắp xếp trật tự mới. “Ai Cập có một lĩnh vực công khổng lồ mà phần lớn thiếu hiệu quả và rất tốn kém”, ông nói. “Thậm chí nếu bạn không có gì nhưng có những mục đích tốt đẹp và muốn tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, thì câu hỏi là: Tiền sẽ ở đâu ra?”.

Tuy vậy, nhiều người Ai Cập vẫn tin tưởng rằng, kinh tế sẽ trở nên mạnh mẽ hơn vì ngăn chặn tham nhũng là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới. Theo những báo cáo chưa được xác nhận, ông Mubarak đã cất giấu tới 70 tỉ USD trong các tài khoản ở nước ngoài. Sau khi ông từ chức, nhiều người biểu tình đã đòi: “Chúng tôi muốn đòi lại tiền của chúng tôi”.

Các nhà tổ chức biểu tình chống Mubarak kêu gọi hơn 1 triệu người tập trung ở quảng trường Tahrir vào mỗi thứ sáu cho tới khi tất cả yêu cầu của họ được đáp ứng. Nhưng một số người Ai Cập cho rằng, cần dừng biểu tình trước khi cuộc sống có thể trở lại bình thường. “Chúng tôi không muốn gây ra bất kỳ vấn đề nào cho những cửa hiệu khác”, ông chủ Ataya - người không tham gia biểu tình hôm thứ sáu, nói. “Chúng ta đã có một cuộc cách mạng, và chính phủ đã đáp ứng những gì tôi muốn. Giờ đây, tôi muốn làm việc”.

Quân đội có đáp ứng yêu cầu của dân chúng?

Thủ đô Cairo của Ai Cập giờ đây là một thành phố dưới sự quản lý của quân đội. Trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường và quảng trường Tahrir trở nên quang đãng hơn, thì xe tăng quân đội hiện diện khắp nơi.

Ở một số nơi, binh lính có vẻ “nhàn nhã” khi chụp ảnh hay cười với người dân đi qua. Nhưng phía ngoài tòa nhà phát thanh, truyền hình và khu ở cũ của Hosni Mubarak ở ngoại ô thành phố, họ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ. Binh lính được vũ trang mạnh, xe tăng, xe bọc thép dàn hàng, tạo ra bức tường chắn bất khả xâm phạm.

Các nhà Hoạt động vì Dân chủ - một liên minh đại diện cho những người biểu tình, các nhóm nhân quyền và xã hội dân sự, đã phác thảo nên những gì mà họ nói là các yêu cầu của cuộc cách mạng đã kết thúc 30 năm cầm quyền của Mubarak. Nó bao gồm một chính phủ lâm thời, một hiến pháp và quốc hội mới, chấm dứt luật khẩn cấp, tổ chức bầu cử dân chủ trong vòng sáu tháng. Một số yêu cầu đã được đáp ứng, một số có thể diễn ra trong tương lai gần.

Yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc có thể được đáp ứng. Nhưng các yêu cầu khác như thả tù chính trị, khởi tố cảnh sát liên quan tới bạo lực trong các cuộc biểu tình, có thể khó thực hiện được. Ghada Shahbandar, thành viên Tổ chức Nhân quyền Ai Cập cho hay, nhóm của bà đang cố gắng tìm kiếm người biến mất trong các cuộc biểu tình gần đây. Nhóm này đang tiếp xúc với quân đội, bộ nội vụ và văn phòng thủ tướng với hy vọng hợp tác.

Theo một số nhà phân tích, có một thực tế rằng, quân đội Ai Cập từng là cột trụ của chính quyền Hosni Mubarak, họ có những lợi ích kinh tế riêng và có thể không thống nhất cũng như kỷ luật như bên ngoài tin tưởng.

"Chúng ta đang trong khoảng thời gian chờ đợi", Max Rodenbeck, nhà báo phụ trách vấn đề Trung Đông của Economist, người sống lâu năm tại Cairo, nói. "Có những cuộc nổi dậy mini trong các bộ ngành chính phủ, và chúng ta có thể chứng kiến những cuộc thanh trừng diễn ra chậm trong các cơ quan chính phủ, có lẽ sẽ mất nhiều năm”, ông nhận định. "Một trong số các lo lắng là quân đội quá cô lập khỏi xã hội, họ tự tạo ra một thế giới riêng. Điều này rất hữu ích khi họ nắm quyền kiểm soát tình thế trong một cuộc khủng hoảng, nhưng liệu họ sẽ có kỹ năng quản lý, thông tin trong tình hình này?”.

Phép thử lập tức là tình trạng đình công dẫn tới việc đóng cửa nhiều văn phòng, nhà máy và gây nên vấn đề giao thông to lớn. Quân đội gần đây nhất đã nhẹ nhàng kêu gọi mọi người trở lại làm việc vì lợi ích quốc gia, nhưng họ có thể phải sớm tìm ra giải pháp để có một tuyên bố cứng rắn và thực thi lệnh cấm đình công.

Đấu tranh bè phái

Với quyền lực được chuyển giao vào tay quân đội, và ông Mubarak hiện vẫn được phép ở lại Ai Cập, nhiều nhà phân tích đã đề cập tới khả năng xảy ra đụng độ với người dân - những người đỏi hỏi quyền lực được chuyển giao đầy đủ - đặt ra nguy cơ lớn tới an ninh quốc gia. Hơn thế nữa, còn là việc Ai Câp bị chia rẽ bởi những đấu tranh quyền lực của các bè phái.

Quân đội có những lợi ích sâu sắc, như họ từng nắm giữ thời Mubarak, để xây dựng những ngành kinh doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn tại Mỹ và Ai Cập. Rát khó để quân đội có thể chuyển giao các đặc quyền và quyền lực vì lợi ích của cuộc cách mạng. Và họ biết những người làm cách mạng, sau khi có đầy đủ sức mạnh và quyền hạn, sẽ “tính sổ” với các lực lượng vũ trang vì những sai lầm quá khứ.

Người Mỹ cũng thích quân đội duy trì hay chia sẻ quyền lực để bảo vệ các lợi ích của họ. Xung đột lợi ích vì thế sẽ dẫn tới các toan tính khác nhau, ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực. Nhiều người cho rằng, quân đội đã tiến hành bước đi đầu tiên: hủy bỏ hiến pháp, giải tán quốc hội, hứa tổ chức bầu cử vào tháng 9. Song đây là những lời hứa suông, thậm chí là chiến thuật trì hoãn. Và người Ai Cập sẽ không chấp nhận, rồi tiếp tục biểu tình bày tỏ các yêu cầu của họ.

Tổ chức Anh em Hồi giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc “cách mạng sông Nile”. Trong nhóm này có một số thanh niên mang quan điểm tự do và ôn hòa về cuộc sống, về chủ nghĩa dân tộc, tôn trọng dân chủ và tự do. Bất chấp các khác biệt, họ đứng dưới ngọn cờ của Anh em Hồi giáo và chiến thắng trong cuộc chiến đòi tự do đầu tiên. Những gì diễn ra hiện nay là một cuộc đấu tranh quyền lực, đủ cung cấp không gian cho những người có toan tính, tìm cách làm nổi bật bất đồng giữa người đấu tranh cứng rắn và người ôn hòa. Nếu họ thành công, sẽ giúp quân đội duy trì quyền lực và bảo đảm các lợi ích của họ.

Song, một thực tế làm người Mỹ và các đồng minh không thích người Hồi giáo lên nắm quyền. Và giờ đây, khi họ trở thành những người thắng cuộc, thì các nỗ lực sẽ diễn ra nhằm ngăn chặn việc họ được chia sẻ quyền lực. Nếu người Mỹ muốn dân chủ và pháp quyền ở Ai Cập, họ phải chú ý tới yêu cầu của những người cách mạng: thả tù chính trị, dỡ bỏ lệnh khẩn cấp, bãi bỏ các bộ máy an ninh quốc gia và bắt đầu đàm phán chuyển giao quyền lực. Đây là các yêu cầu giúp tổ chức Anh em Hồi giáo tham gia thành lập chính quyền, với lực lượng vũ trang đóng vai trò thứ yếu.

Những toan tính, âm mưu sẽ làm tổn hại đến cách mạng và quá trình trỗi dậy của dân chủ, pháp quyền. Chính người dân Ai Cập sẽ phải xác định tiến trình tự do và dân chủ. Đó là cuộc đấu tranh vì dân chủ của chính họ, đấu tranh để mang lại điều tốt đẹp trong đất nước ở những thời khắc tồi tệ nhất, đấu tranh vì những khó khăn còn ở phía trước.

  • Thái An (theo Washington Times, Pakistan Times, BBC)