Thụy Sĩ đã phong tỏa tài khoản của Hosni Mubarak và những người có thể liên quan. Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc tìm kiếm các tài sản bí mật của vị lãnh đạo Ai Cập mới bị lật đổ này sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

>> Cảm hứng Ai Cập: nhìn xa để nghĩ gần
>> Ai Cập: Thách thức chia sẻ quyền lực
>> Cơn địa chấn Ai Cập lan khắp Trung Đông
>> Mỹ trong những giờ cuối cùng của Mubarak
>> Mubarak chuyển hết tài sản sang nước ngoài
>> Mubarak ra đi, điều gì sẽ đến?
>> Bất ổn Ảrập: Ba bài học lãnh đạo không thể bỏ qua

Giá trị tài sản thực tế của ông Mubarak vẫn là một bí ẩn. Một tuyên bố gần đây cho hay, ông và hai con trai Gamal và Alaa có thể sở hữu khối tài sản trị giá hơn 70 tỉ USD - lớn hơn nhiều so với Bill Gates của Microsoft. Chính thông tin này đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến những người biểu tình giận dữ và cuối cùng buộc ông phải từ chức.

"Mubarak, hãy nói cho chúng tôi biết ông để 70 tỉ USD ở đâu”, những người biểu tình hét lớn trước khi nhà lãnh đạo Ai Cập cầm quyền suốt 30 năm rời khỏi nhiệm sở hôm thứ sáu, sau đó đi ra khỏi Cairo tới khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh ở Biển Đỏ.

Ông Hosni Mubarak trong lần phát biểu cuối cùng ngày 10/2. Ảnh: AP

Tham nhũng được coi là một nạn dịch ở Ai Cập thời Mubarak, nơi 40% trong số dân 80 triệu người của nước này sống ở mức dưới 2 USD/ngày. Các nhà phê bình đã cáo buộc những quan chức Ai Cập cướp đoạt tài sản của đất nước. Người Ai Cập từ lâu đã than phiền và bất mãn về một chính sách “bất thành văn” của những thỏa thuận cho phép các quan chức hàng đầu và giới kinh doanh tự làm giàu cho mình.

Trong vài ngày gần đây, các nhóm giám sát và luật sư tư nhân đã yêu cầu trưởng công tố viên Ai Cập điều tra hình sự với ông Mubarak và một số người liên quan. Phần lớn các quan chức trong chính phủ cũ đã bị cấm ra nước ngoài. Một số người, trong đó có bốn bộ trưởng nội các bị phong tỏa tài sản.

Vấn đề là các nhà điều tra cuối cùng có thể hoạt động độc lập với ý chí chính trị của giới lãnh đạo Ai Cập hay không, Eric Lewis, thuộc hãng Baach, Robinson & Lewis tại Washington, chuyên tìm kiếm các tài sản quốc tế nói. “Những gì bạn thường thấy là trong khi có một động lực chính trị dường như muốn làm việc này, thì rõ ràng là các yêu cầu minh bạch chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực tế”, Lewis cho biết.

Các cuộc điều tra tham nhũng có thể là phép thử với những quan chức quân đội Ai Cập - những người điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Một số người cảnh báo rằng, việc “thanh lọc” các ông trùm tài phiệt Ai Cập có thể làm nỗ lực phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng chính trị khó khăn hơn nhiều.


Các nhà hoạt động chống tham nhũng đang kêu gọi thúc đẩy cuộc điều tra, đề nghị các nước khác ngoài Thụy Sĩ phong tỏa tài sản trước khi nó trống rỗng. “Đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng trong mối quan tâm tới tiền công, mọi thứ giờ đây cần tăng tốc”, Omnia Hussien, một chuyên gia Ai Cập thuộc Tổ chức Minh bạch quốc tế khẳng định.


Gia đình Mubarak chưa từng công khai tài sản của họ. Mức lương tháng chính thức của Hosni Mubarak ở cương vị tổng thống vào khoảng 808 USD trong năm 2007 và 2008, theo một nhóm cố vấn Ai Cập. Tuy nhiên, có nhiều tin đồn rằng, ông giàu có hơn nhiều với các bất động sản đắt giá tại Anh, Mỹ và những nơi khác bắt nguồn từ mối quan hệ chặt chẽ với giới kinh doanh giàu có Ai Cập. Việc bán các công ty nhà nước hay đất đai công giá rẻ, bắt đầu từ những năm 1990 là những nguồn chính khiến cả hai bên trở nên giàu có, Ahmed Elsayed Elnaggar, biên tập tờ Economic Report của Ai Cập cho biết.

"Tư nhân hóa… là quá trình tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Ai Cập, kể từ thời các Pharaoh tới bây giờ”, ông nói.

Con trai thứ của Mubarak là Gamal, 47 tuổi, làm giám đốc hãng đầu tư Medinvest Associates Ltd. có trụ sở tại London năm 1996, nhưng từ chức năm 2001. Said Kaba, giám đốc hiện tại của Medinvest, cho biết, công ty không có liên quan tới người thân nào của Mubarak, và ông biết không nhiều về đầu tư của gia đình lãnh đạo Ai Cập tại Anh. 

Số lượng nhân viên và nguồn vốn của Medinvest rất khiêm tốn, lợi nhuận và và doanh thu của công ty không được tiết lộ. Tuy vậy, Gamal Mubarak được coi là người sở hữu một ngôi nhà sáu tầng cách văn phòng công ty không xa.

Ngân hàng đầu tư Trung Đông EFG-Hermes có trụ sở tại Cairo cho hay, Gamal Mubarak nắm 18% cổ phần của một công ty con là EFG Hermes Private Equity. Theo ngân hàng, quan hệ của họ với Gamal Mubarak bắt đầu từ năm 1997, trước khi Gamal bước vào chính trường. Ngân hàng khẳng định “không quản lý quỹ cho gia đình Mubarak, cũng không nhận được dù trực tiếp hay gián tiếp bất cứ lợi ích hay xem xét đặc biệt nào từ chính phủ Ai Cập”.

Gamal Mubarak bước vào chính trường năm 2000 và nhanh chóng thăng tiến lên vị trí hàng đầu trong đảng cầm quyền của cha. Ông bị sa thải tuần trước sau nỗ lực không thành của chính phủ Ai Cập trong việc kéo dài thời gian và xoa dịu nỗi tức giận của người dân.

Trong khi nỗ lực chống tham nhũng giờ đây tập trung vào các quan chức hàng đầu trong chính phủ cũ, luật sư người Ai Cập Ibrahim Youssri cho hay, ông đang tìm kiếm cuộc điều tra hình sự với gia đình ông Mubarak. Theo Youssri, công tố viên đã đồng ý gặp ông để xem xét các bằng chứng. “Đây là dấu hiệu tích cực thực sự”, ông nói. Nhân viên văn phòng công tố chưa đưa ra bình luận gì.

Ai Cập chỉ có thể bắt đầu quá trình thu hồi tài sản khi khởi động các cuộc điều tra hình sự, Daniel Thelesklaf, người đứng đầu Trung tâm quốc tế về thu hồi tài sản cho biết.

  • Thái An (Theo AP)