- Trao đổi bên lề với báo chí ngày 5/11, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng tiến độ sửa một số luật quan trọng không lo vướng việc Hiến pháp chưa sửa do các tinh thần, nguyên tắc cơ bản đã thống nhất.

>> Sửa Hiến pháp: Bổ sung quyền của Chủ tịch nước
>> 1/2013, lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp

- Một số luật trong kỳ này muốn đem ra sửa sớm như Đất đai, Phòng chống tham nhũng, Thủ đô... vẫn còn những điểm vướng mà theo nhiều ĐB, nên chờ sửa xong Hiến pháp hẵng làm để toàn diện. Theo ông, việc sửa đổi Hiến pháp nên như thế nào để trong tương lai không còn lặp lại tình trạng này nữa?

Ban đầu, một số dự án luật định sửa lần này đã cân nhắc vấn đề này. Nhưng thực tế hiện nay, vẫn có thể song hành do dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đang được chuẩn bị và đang đưa ra QH lấy ý kiến. Những nguyên tắc lớn, những vấn đề cơ bản, cái gốc để cho một đạo luật cũng đã thể hiện rõ. Thế nên việc xem xét sửa các luật có liên quan đến Hiến pháp vẫn có thể tiến hành không bị vướng.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cụ thể rõ nhất là luật Đất đai, mà vấn đề gốc liên quan đến Hiến pháp là sở hữu. Sửa luật này sẽ khó hơn nếu đặt vấn đề đa sở hữu đất đai, nhưng nay dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn tiếp tục khẳng định một hình thức sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân. Tuy nhiên cũng có những điểm mới được thể hiện rõ ràng: quyền của người đại diện chủ sở hữu - Nhà nước, với địa chỉ trách nhiệm cụ thể của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND.

Đặc biệt đối với tổ chức cá nhân được giao đất, cho thuê đất để sử dụng lâu dài, quyền được xác định và đảm bảo chắc chắn hơn. Ví dụ, việc thu hồi đất không phải muốn như thế nào cũng được, mà dự thảo Hiến pháp chỉ cho phép 3 trường hợp quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, chứ không phải lợi ích của một nhóm, một bộ phận nào, với giá đền bù do Nhà nước xác định.

Thu hồi vì các lý do khác thì giá đền bù phải theo thị trường qua đấu giá, đảm bảo lợi ích của người chủ là toàn dân do Nhà nước đại diện, của người đang sử dụng đất và của nhà đầu tư.

Hay với thời hạn giao đất, cho thuê đất. Nếu trước đây với đất nông nghiệp và trồng cây ngắn ngày chỉ 20 năm, đất rừng mới được 50 năm thì nay hướng là 50 năm cho tất cả các loại đất. Hạn mức, hạn điền cũng được mở hơn để tạo điều kiện tích tụ, sản xuất lớn. Mặc dù Hiến pháp chưa thông qua nhưng tinh thần, nguyên tắc đã được xác định thì đưa vào luật sẽ không sợ vướng.

Tương tự với luật Thủ đô, điều vướng liên quan đến Hiến pháp là xác định "Thủ đô là Hà Nội hay Thủ đô đặt tại Hà Nội". Tinh thần sửa đổi là giữ như Hiến pháp hiện hành - Thủ đô là Hà Nội, và sẽ áp dụng như vậy cho luật Thủ đô.

- Có ý kiến cho rằng ta đem nhiều luật ra sửa là do chất lượng làm luật không tốt, ý kiến của ông thế nào?

Nói thế không hoàn toàn đúng. Qua nghiên cứu hoạt động lập pháp ở các nước, tôi nhận thấy thế giới đã xác định: với các nước đang phát triển, tỉ lệ ban hành mới cao đến 70% nhưng với các nước đã phát triển thì ngược lại, tỉ lệ sửa đổi mới là cao, do đã có một cơ sở pháp lý tương đối hoàn chỉnh. Do vậy, không nên cứ thấy sửa nhiều là đánh giá chất lượng kém.

Tất nhiên, ở ta cũng có những trường hợp luật vừa ban hành, chưa thi hành đã phải đem đi sửa do quá trình nghiên cứu, chuẩn bị dự án còn vội vàng, gấp gáp, khâu điều tra xã hội học, lấy ý kiến nhân dân, đối tượng thi hành còn chưa kỹ... Nhưng số đó không phải là nhiều, chủ yếu là do sự phát triển của xã hội, đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, phải chỉnh sửa cho phù hợp.

Sẽ đến một lúc nào đó sẽ không cần ban hành mới mà chỉ chỉnh sửa thôi, đó sẽ là một điều đáng mừng chứ không phải đáng lo. Nhưng trên thực tế, pháp luật chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều, nhất là trên lĩnh vực quản lý kinh tế. Chưa nói đến về kỹ thuật lập pháp, luật của ta còn khung, ống nhiều, nặng nguyên tắc mà thiếu cụ thể, phải khắc phục và hoàn thiện dần.

Chung Hoàng