- ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu hàng loạt lý lẽ cho thấy luật Phòng, chống tham nhũng đã tương đối tốt, vấn đề là thực hiện không nghiêm túc, thiếu giám sát, kiểm tra.
>> Tịch thu tài sản cố tình che giấu
>> Chống tham nhũng, đừng dùng 'bình cũ rượu cũ'
Phát biểu của ĐB Nguyễn Văn Hiến tại phiên thảo luận chiều 9/11 về luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi:
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 3 khóa X, thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), chúng ta chưa đạt được mục tiêu như ban đầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tất nhiên có những hạn chế của luật PCTN và những luật khác có liên quan, nên việc đặt vấn đề sửa đổi luật để hoàn thiện hơn bao giờ cũng là cần thiết.
Tuy nhiên, đối với nước ta, trong tình hình hiện tại, kết quả đấu tranh PCTN phụ thuộc vào quyết tâm chính trị. Kết luận Hội nghị TƯ 5 cũng đã nêu nguyên nhân chủ quan, tổ chức thực hiện là chính, và nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong PCTN.
Xem clip phát biểu của ĐB Nguyễn Văn Hiến:
Tôi nghĩ không cần sửa đổi bất cứ luật nào, nếu với trách nhiệm quản lý nghiêm túc, sẽ không có hẳn một con tàu cũ được mua về; không cần sửa đổi bất cứ luật nào, nếu giám sát tốt, sẽ không có bê tông cốt tre, những con đường tiền tỷ vừa làm xong đã hỏng; không cần sửa đổi bất cứ luật nào, nếu người đứng đầu nghiêm túc thì cấp dưới sẽ không dám nhũng nhiễu…
Chúng ta đã có một luật PCTN tương đối tốt, nhưng mọi quy định của luật đều thực hiện không nghiêm túc, rất hình thức và thiếu giám sát, kiểm tra. Sửa đổi luật lần này, cử tri kỳ vọng rất nhiều, tuy nhiên thời gian chuẩn bị ngắn, các vấn đề sửa đổi bổ sung rất nhiều, ý kiến thảo luận tổ lại rất phân tán, lại chỉ thông qua một kỳ họp nên khó có thể yên tâm khi biểu quyết.
Chỉ về phạm vi sửa đổi, có 4 ý kiến ở 2 tổ đề nghị chỉ sửa duy nhất điều về Ban chỉ đạo PCTN trung ương. Có 47 ý kiến ở 15 tổ đề nghị sửa một số điều đã rõ, nhưng các ý kiến này cũng không thống nhất được đó là những điều nào.
Nhiều quy định trong dự thảo là luật hóa từ các nghị định của Chính phủ mà từ trước đến nay thực hiện không nghiêm.
Vấn đề kiểm soát tài sản, đổi mới phương thức thanh toán không mang lại hiệu quả, không phòng ngừa được tham nhũng vì chúng ta vẫn dùng tiền mặt trong tất cả mọi thanh toán.
Việc chuyển đổi vị trí công tác còn nhiều vướng mắc, mới chỉ chuyển đổi những người không giữ chức vụ, ít có khả năng tham nhũng hoặc chỉ tham nhũng vặt, nhưng dự thảo lần này vẫn giữ nguyên.
Khi tham nhũng là cá biệt, là ít, quy mô nhỏ thì có thể ngăn ngừa bằng chuyển đổi vị trí công tác, nhưng khi tham nhũng là phổ biến, là rộng khắp, quy mô lớn thì chuyển đổi vị trí công tác lại mở ra cơ hội tham nhũng mới.
Người đứng đầu cũng chưa được làm rõ về xử lý trách nhiệm. Xử lý tài sản tham nhũng chỉ áp dụng được khi tòa tuyên có tội tham nhũng tương ứng với tài sản chiếm đoạt, chưa có cơ chế tịch thu tài sản bất minh, nghi ngờ có tham nhũng.
Vai trò quan trọng của báo chí trong PCTN đã được chứng minh, cần có cơ chế bảo vệ báo chí chống tham nhũng, nếu không sẽ giảm nhiệt huyết của các nhà báo trong cuộc đấu tranh này.
Trong tình hình hiện nay, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, cần chú trọng quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp chống tham nhũng, phải thay cách đánh, người đánh. Rất nhiều ĐB đề nghị thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, nhưng vấn đề này chưa được nghiên cứu chu đáo…
Vì thế, tôi đề nghị QH xem xét chỉ bãi bỏ điều 73 luật hiện hành về Ban chỉ đạo PCTN trung ương, các vấn đề khác, nội dung khác cần được nghiên cứu thêm, kỹ lưỡng hơn nữa.
Chung Hoàng ghi - Ảnh: Minh Thăng
Nguồn clip: VTV