Không ai ngăn nổi phu nhân Tổng thống Tunisia Leila Ben Ali khi bà lao
vào văn phòng Thống đốc Ngân hàng Trung ương yêu cầu 1,5 tấn vàng của
quốc gia.
"Thống đốc đã cố gắng phản đối, nhưng Leila rút di động ra và gọi cho chồng bà”, Ezzeddine Saidane, người sáng lập một ngân hàng khác cho biết. Zine El Abedine Ben Ali, 74 tuổi, người lãnh đạo Tunisia trong suốt 23 năm, nói “rất bất ngờ vì cuộc gọi”, Saidane kể lại, "nhưng ông đã cho phép việc lấy vàng”.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Tunisia bác bỏ việc này, Saidane - người có những mối liên lạc giá trị tại Ngân hàng Trung ương, nói điều ngược lại. Số vàng trị giá 56 triệu USD - và không phải đó là tất cả những gì thất thoát.
Theo Chủ tịch Ủy ban Bảo tàng Tunisia Samir Aounallah, Leila đã lấy đi nhiều đồ khảm, tranh tường và các đồ tạo tác khác từ các bảo tàng của nước này để trang hoàng cho nhiều biệt thự của mình. Sau sự sụp đổ bất ngờ Ben Ali, một bức tranh hiển hiện mô tả những gì xa hoa của người vợ 53 tuổi cùng gia đình của bà - các Trabelsi - mà bà đã sắp xếp cho họ những vị trí tài chính béo bở.
Leila Ben Ali. Ảnh: Telegraph
Belhassan Trabelsi, anh trai của Leila sở hữu hãng hàng không Carthage và nắm giữ nhiều dịch vụ du lịch, khách sạn, các tòa nhà sang trọng với nhiều tài sản giá trị khác. Số tài sản của Leila vẫn luôn là bí ẩn, nhưng bà có một tòa nhà tráng lệ ở khu nghỉ dưỡng xa hoa ven biển của Hammamet, nó dường như luôn tỏa sáng dưới ánh mặt trời và có thể nhìn ra các du thuyền nhấp nhô trong cảng.
Bà sẽ không trở lại đó nữa. Tức giận khi chứng kiến một người đàn ông trẻ tuổi, đã tự thiêu vì quá nghèo khổ và không có tương lai, người Tunisia đổ ra đường phố, biểu tình khiến cả gia đình Tổng thống phải ra khỏi đất nước, và “làm mưa làm gió” trong các tòa nhà, các nơi kinh doanh của gia đình đệ nhất.
Tuần trước, trong đám khói âm ỉ của một dinh thự màu trắng thuộc sở hữu của người than Leila, các gia đình nghèo đi từng căn phòng, chăm chú quan sát khu bể bơi nhìn ra biển. Các bà nội trợ túm năm tụm ba bàn bạc, kẻ trộm thoắt ẩn thoắt hiện với những viên đá hoa cương đánh cắp. Nasib Ben Rijab viết nguệch ngoạc trên bức tường trắng bằng viên than lấy từ đồ nội thất bị đốt cháy trong tòa nhà. “Bây giờ thì tôi đã hiểu, 13-01-2011."
Ngân hàng Trung ương đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng Zitouna, và chính phủ mới yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra tham nhũng, đồng thời yêu cầu các ngân hàng nước ngoài tịch thu tài sản của Ben Ali và gia tộc Trabelsi.
Tại Hammamet, một sĩ quan quân đội đang bảo vệ một dinh tổng thống mang tên của Leila, khá gay gắt khi tên bà được đề cập. “Đây là tài sản nhà nước”, ông nói. “Nếu nó là của Leila, tôi sẽ không bảo vệ nó, bất kỳ ai đều được hoan nghênh đến đây và làm bất kể thứ gì họ muốn".
Chính phủ mới tuyên bố 33 người thân của Leila bị bắt giữ “vì các tội ác chống lại người Tunisia”.
Từ thợ làm tóc đến đệ nhất phu nhân
Làm sao Leila, một người thợ làm tóc kết hôn lần hai, một trong số 11 đứa trẻ của Saida và Mohamad Trabelsi, những người bán hoa quả và quả hạch, lại trở thành đối thủ của Imelda Marcos về sự tham lam và xa hoa? Làm thế nào để bà tách khỏi người chồng, một vị tổng thống và lấy đi rất nhiều tiền của một quốc gia mà chính sự nghèo đói khiến họ phải nổi dậy?
Sinh tháng 7/1957, Leila kết hôn khi còn trẻ và có một con riêng khi gặp Ben Ali, người hơn bà tới 21 tuổi, người sau đó trở thành Bộ trưởng Nội vụ Tunisia. Những người biết bà từ thời còn sống ở xóm nghèo Kmem của Tunisia, nơi bà lớn lên nói rằng, Leila không thích học hành. Thay vì đó, bà vào làm việc trong một tiệm làm tóc.
Sau đó, Leila làm việc như một đại lý du lịch, và phụ trách một nhóm chuyên nhảy múa trong các bữa tiệc trên bãi biển. Khi ấy, bà có tên hiệu "Leila Gin" bắt nguồn từ loại rượu Leila yêu thích. Mọi người nói rằng, bà học được nhiều từ người mẹ “ít học” của mình truyền thống chế ngự kẻ thù và quyến rũ những người đàn ông quyền lực.
Người ta kể rằng, Leila đã nói dối Ben Ali rằng, bà mang thai cậu quý tử mà bấy lâu ông mong đợi để thuyết phục ông cưới mình vào năm 1992. Trước khi có con trai, bà sinh hạ cho ông hai cô con gái. Trong những năm tiếp theo, Leila cố gắng không biết mệt mỏi để sắp xếp cho các thành viên trong gia đình vào những vị trí có ảnh hưởng lớn. Gia tộc Trabelsi được coi là những người trơ tráo trong việc vơ vét, cướp đoạt tài sản nhà nước. Trong một cuộc họp gia đình năm 2002, Ben Ali đã nói với họ rằng: “Nếu muốn tiền, thì ít nhất hãy kín đáo, thận trọng”.
Belhassan, em của Leila bắt đầu gây dựng sản nghiệp bằng cách mua đất nông nghiệp và sử dụng ảnh hưởng của chị mình để thay đổi mục đích sử dụng, biến các khoảnh đất bao la thành “đất xây dựng”, sau đó bán chúng với những khoản lợi nhuận khổng lồ. Tài sản của người này hiện nay ước tính vào khoảng 320 triệu USD. Belhassan được cho là đã rời khỏi Tunisia sau cuộc nổi dậy của dân chúng.
Leila cư xử cực kỳ tàn nhẫn với bất cứ ai nỗ lực can thiệp vào các kế hoạch của bà. Năm 2007, Mohamed Jegham, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là một cố vấn khá được Tổng thống tin tưởng, đã cảnh báo Ben Ali rằng, gia tộc Trabelsi là những người tham lam nguy hiểm. Leila biết được việc này và lập tức Jegham được cử đi Rome làm đại sứ.
Hy vọng kế nhiệm chồng
Một nhà ngoại giao đã phác họa sự tham lam vô độ của gia đình nhà Tổng thống. Robert Godec, cựu phái viên Mỹ tại Tunisia viết trong một bức điện tín ngoại giao rằng: “Bất kể là tiền, dịch vụ, đất đai, tài sản hay cả du thuyền của bạn, gia đình của Ben Ali nếu thích thì sẽ có được”. Một báo cáo của thám tử tư người Pháp phát hiện ra rằng, cháu trai của Leila có nhiều du thuyền và xe hơi bị trộm cắp và chuyển tới Tunisia. “Anh ta sử dụng một số xe bị đánh cắp: một chiếc Porsche Cayenne, một chiếc Hummer và một Mercedes 500 bị trộm ở Marseilles vào tháng 11/2005”, báo cáo cho biết.
Một nhân chứng người Pháp kể lại, người cháu trai ấy đã yêu cầu hải quan Tunisia cung cấp giấy tờ hợp pháp để khiến những du thuyền bị đánh cắp mang tên mình. Cũng trong các bức điện tín, Godec mô tả một bữa tiệc tối đầy xa hoa ở nhà con gái và con rể của Leila. Trong khu dinh thự này, họ nuôi một con hổ.
"Tham nhũng ngày càng phát triển”, Godec viết điện tín gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ. “Kể cả những người Tunisia bình thường cũng biết điều này. Và điệp khúc bất mãn ngày một gia tăng. Người Tunisia không thích, thậm chí oán ghét Leila Trabelsi và gia tộc của bà… kể cả những người thân cận với chính phủ cũng thất vọng về cách hành xử của bà”. Nhưng gia đình đệ nhất không để tâm tới sự oán ghét của công chúng. Donia Gribaa, 26 tuổi, giám đốc quảng cáo tại Tunisia nói. “Họ sẵn sàng vung tiền qua cửa sổ, mà không phải kín đáo dè dặt”.
Thậm chí, rất nhiều người ở Tunisia tin rằng, Leila hy vọng kế nhiệm vị trí của chồng. "Ý tưởng là Leila sẽ thay thế Ben Ali năm 2013, và nắm giữ vị trí tổng thống cho tới khi con trai họ đủ tuổi kế nhiệm”, Nabil Karoui, giám đốc điều hành đài truyền hình Nessma cho biết.
Lời nói của ông được Nicolas Beau ủng hộ. Beau là đồng tác giả cuốn sách The Regent of Carthage viết về Leila. "Bà ấy ngày càng có nhiều tầm ảnh hưởng trong các quyết định mà đảng cầm quyền đưa ra”, Beau nói. "Nhưng bà biết việc kế nhiệm Ben Ali là điều không đơn giản. Phần lớn các thành viên trong đảng cầm quyền chỉ có sự khinh miệt với một người phụ nữ có xuất thân hèn kém này”.
Những cuộc biểu tình bạo động của “Cách mạng hoa lài” đã chấm dứt mọi hy vọng mà gia tộc tổng thống đeo đuổi. Hàng nghìn người biểu tình đổ xuống đường phố ngày cuối tuần. Họ hét lớn: “Họ đã trộm cắp tài sản của chúng ta, nhưng họ không thể trộm cắp cuôc cách mạng của chúng ta”. Ben Ali và Leila đã ra đi và được cho là đang tị nạn trong một dinh thự tại Jeddah của Ảrập Xêút. Leila, người sở hữu bộ sưu tập gồm 50 xe hơi, đã buộc phải từ bỏ chúng và chạy trốn trên chiếc máy bay tới một quốc gia mà phụ nữ không được phép lái ô tô.
Với số vàng thất thoát, không ai chắc chắn chúng đang ở đâu.
-
Thái An (Theo Sunday Times)