- Dù đã có một đêm chuẩn bị nhưng trả lời ĐBQH sáng nay về thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vẫn chưa đưa ra được khẳng định cuối cùng, thậm chí nghe xong, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng còn bình "tôi cũng chưa yên tâm".

'Gần như an toàn'

Cuối ngày hôm qua, ĐB Ngô Văn Minh đã nêu ra một câu hỏi được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là "rất khó", liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2.

Theo ông Minh, kỳ họp trước, Bộ trưởng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 là yên tâm, an toàn, nhưng tại sao Chính phủ không cho tích nước? Cách đây mấy hôm có người nói đập không vỡ nhưng sẽ bẻ ngang, làm dân không yên tâm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này để kết thúc câu chuyện về Sông Tranh 2.

ĐB Ngô Văn Minh: Nếu đập vỡ, ai chịu trách nhiệm đầu tiên?

Ông Minh cũng đưa ra gợi ý.

Thứ nhất, bây giờ Bộ trưởng nói rõ với quốc dân đồng bào trên căn cứ khoa học là đập an toàn, dân cứ ở đó không sao, thậm chí mời cán bộ lên đó ở mấy tháng luôn cho dân yên tâm. Bên cạnh đó phải phụ cấp cho dân như phụ cấp độc hại. Cộng với mua bảo hiểm tính mạng cho dân, bởi vì do tích nước hồ dẫn đến động đất kích thích.

Thứ hai, công bố là chưa thể yên tâm, mời đồng bào đi tái định cư nơi ở khác tốt bằng hoặc hơn nơi ở cũ. "Cuối cùng, nếu đập vỡ thì xin Bộ trưởng cho biết ai chịu trách nhiệm đầu tiên", ông Minh hỏi.

Có nguyên một đêm để chuẩn bị, đầu giờ sáng nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra câu trả lời ngắn gọn, song vẫn khiến ĐB Minh tiếp tục hỏi lại còn Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần gợi ý và còn "tổng kết hộ".

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đập thủy điện này đã tuân thủ các quy trình kiểm tra chất lượng, khảo sát thiết kế. Tư vấn độc lập của Nhật Bản kiểm tra và kết luận an toàn. Nhóm tư vấn Thụy Sỹ cũng khẳng định đập an toàn, có khả năng chịu động đất với gia tốc nền đến 220 kg/cm2.

Vì khu vực đập và khu Bắc Trà My xảy ra nhiều trận động đất và rung chấn, tuy đều nhỏ hơn mức 5,5 độ richter mà Viện vật lý địa cầu đã cung cấp như yếu tố đầu vào khi thiết kế xây dựng đập, nhưng người dân vẫn rất lo lắng.

Chính vì vậy, Chính phủ cho rằng cần tập trung mọi biện pháp để đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Dũng khẳng định "Khi dân chưa yên tâm thì chưa thể cho tích nước". Hiện nay, các nhà địa chất Nga đã đến Sông Tranh khảo sát. Thời gian tới các nhà địa chất Ấn Độ, Nhật Bản sẽ đến, đánh giá toàn diện.

Về việc ai chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra, ông Dũng trả lời, các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trước những tiếng xì xào dưới hội trường, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Bộ trưởng Dũng phải đưa ra quan điểm rõ ràng, đó là công trình tuyệt đối an toàn hay chưa, phải di dân đi chỗ khác hay dân vẫn được tiếp tục ở lại. Mặc dù Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Trung Hải trước đó đã phát biểu là phải tiếp tục nghiên cứu sự an toàn của đập dù mọi cuộc kiểm tra đến giờ đều cho kết luận đập an toàn nhưng vẫn chưa yên tâm được vì động đất vẫn tiếp tục xảy ra.

Ông Hùng cũng gợi ý, “Bộ trưởng có thể nói, đồng bào cứ ở tại chỗ, nhà nước sẽ đảm bảo an toàn".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng chỉ nói thêm, hiện nay với mực nước tràn 161m thì đập có thể chịu động đất với gia tốc nền lên đến 350kg/cm2. Ngay lập tức, Chủ tịch QH ngắt lời: “Dân không quan tâm con số đó đâu, chỉ quan tâm cảnh báo là nên tiếp tục  ở lại hay đi”.

Bộ trưởng Dũng đáp lại: "Với số liệu nước ở mức tràn như vậy, bà con hoàn toàn yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết". Và đồng thời cho biết thêm, "có thể khẳng định gần như tuyệt đối an toàn rồi. Chỉ có những yếu tố đặc biệt như động đất hơn 5,5 độ richter thì còn phải nghiên cứu tiếp”.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật

Chủ tọa Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục "truy": "Gần như an toàn nghĩa là chưa tuyệt đối an toàn. Vậy là vẫn chưa biết nên đi hay nên ở?".

Bộ trưởng Xây dựng phân trần, thủy điện đang tích nước ở mức 145m nhưng nếu lên mức 161m vẫn tuyệt đối an toàn.

Nghị trường lại xôn xao với câu trả lời của ông.

Mời Thủ tướng giải đáp

Ngay lập tức, ĐB Ngô Văn Minh bấm nút để hỏi lại.

"Bộ trưởng có nghe nhiều ĐB bật cười khi Bộ trưởng khẳng định có thể yên tâm không? Ngay chính câu trả lời của Bộ trưởng tôi nghe mà thấy cũng chưa yên tâm được. Mà nói yên tâm thì người dân vẫn ở đó, bảo không yên tâm cũng chưa có cách nào để người dân đi đâu được. Vẫn chưa biết tin ai đây”.

Ông Minh cũng nhắc lại đề xuất trả tiền "độc hại" cho dân bởi hàng ngày hàng giờ dân đang phải đối mặt với những rung chấn dữ dội khiến lòng người ngày càng thêm bất an. Ông Minh cũng đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời thêm vấn đề này vào cuối phiên chất vấn.

Đến lúc này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đành gút lại vấn đề thay Bộ trưởng: "Tôi cũng chưa thấy yên tâm. Đến giờ vẫn chưa có kết luận chính thức nào để yên tâm được".

Theo Chủ tịch QH, trong khi việc động đất vẫn tiếp tục xảy ra thì chỉ khi các chuyên gia khẳng định động đất như vậy cũng không ảnh hưởng gì và quyết định cho tích nước thì mới có có giải pháp ứng phó ở bước tiếp theo. Khi đó mới có thể đưa ra quyết định dừng hay tiếp tục công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Chủ tịch QH cho hay, sau hai vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng, trong phiên chất vấn ngày mai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ nói thêm về vấn đề này.

Chia sẻ với báo giới sau phiên đăng đàn, Bộ trưởng Dũng nói thêm: Mục tiêu số 1 là an toàn, là tính mạng của người dân, mục tiêu chúng ta làm thủy điện là vì người dân, chứ không phải ai khác. (Xuân Linh ghi)


Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng