- Góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi chiều 16/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất phải khẳng định quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp.
Làm được hay không là ý chí của nhà nước
Theo Bộ trưởng Tư pháp, vấn đề quan trọng khi sửa Hiến pháp là đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và cần đưa vào Hiến pháp quy định về trưng cầu ý dân, quy định về thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp.
Ông Hà Hùng Cường nhắc lại, bản Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nguyên lý mọi quyền bính đều thuộc về dân. Nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, trong đó có quyền lực nhà nước. Do đó nhân dân phải được quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước.
Xem clip phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường:
"Hiến pháp là đạo luật gốc quy định những vấn đề cơ bản nhất. Việc ban hành Hiến pháp và sửa Hiến pháp là một trong các vấn đề quan hệ trọng nhất của đất nước. Cho nên Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định, nói cách khác, nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến", ông Cường khẳng định.
Tuân thủ nguyên tắc trên, Hiến pháp 1946 đã ghi rõ dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Ông Cường cho hay, kế thừa Hiến pháp năm 1946, thì nguyên lý tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc bất biến của đất nước. Bản Hiến pháp năm 1992 cũng tái xác lập là nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý.
"Tuy nhiên thực tế đến nay quyền dân chủ trực tiếp đó của nhân dân chưa được cụ thể hóa trong luật và chưa được thực hiện trong đời sống", ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, bản dự thảo sửa đổi lần này đã bổ sung nguyên tắc trên theo hướng nhân dân được thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp đồng thời với dân chủ đại diện.
Dự thảo cũng bóc tách quy định quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước trưng cầu thành một điều khoản riêng. "Song lại vẫn chưa minh định rõ cần trưng cầu vào lúc nào và những vấn đề gì thì phải trưng cầu, trong khi Hiến pháp năm 1946 lại quy định rất rõ ràng các nội dung này. Vì vậy đây cũng chỉ là quy định. Có thực hiện được không là ý chí của nhà nước", ông Cường băn khoăn.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, nhiều quốc gia quy định bắt buộc là phải đưa dự thảo Hiến pháp ra trưng cầu ý dân trước và sau khi QH hoặc nghị viện thông qua.
Ông Cường tán thành việc đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra lấy ý kiến toàn dân sau đó mới thông qua. Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm vào Hiến pháp quy định "trưng cầu ý dân về Hiến pháp sửa đổi sau khi QH đã thông qua" để áp dụng cho những lần sửa đổi sau này.
"Có như vậy mới đảm bảo thực hiện tốt nhất sự kết hợp giữa quyền đại diện của QH và quyền của nhân dân. Hy vọng với việc nhân dân tự mình biểu quyết Hiến pháp, Hiến pháp sẽ có chất lượng tốt hơn và đời sống lâu dài hơn", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Ông Cường phân tích, chỉ cần một động thái như vậy nhưng đã thể hiện cao nhất sự kính trọng của QH với nhân dân. "Sự tin tưởng của Đảng, nhà nước với dân sẽ là tiền để để dân thể hiện trách nhiệm công dân của mình".
Làm rõ nội hàm quyền phúc quyết
Nhiều ĐB khác cũng khẳng định Hiến pháp sửa đổi phải ghi rõ nội dung "công dân được quyền trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng quốc gia và về thay đổi Hiến pháp" như một quyền cơ bản giống với Hiến pháp năm 1946.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) góp ý, phải làm rõ nội hàm quyền phúc quyết của nhân dân và ghi vào bản Hiến pháp sửa đổi để dễ thực thi.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy |
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), quyền này được hiểu là người dân có quyền quyết định cuối cùng về những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về vấn đề nào đó và phải được sự ủng hộ của đại đa số người dân thì mới làm.
Bà Thúy phân tích, nhân dân là người quyết định còn nhà nước là người chấp hành tổ chức thực hiện quyết định đó. "Nó khác với việc nhà nước đứng ra lấy ý kiến nhân dân để đi đến quyết định của mình như trưng cầu ý dân. Đồng thời cũng cần xác định trong dự thảo lĩnh vực nào, vấn đề nào do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua quyền phúc quyết và điều kiện để đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền của mình", bà Thúy nói.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được lấy ý kiến nhân dân đầu năm tới và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm.
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng
Nguồn clip: VTV