- "Chính nhờ có VietNamNet,
cuộc “dạo chơi” tuổi về chiều của tôi hóa ra là sự kéo dài cuộc đời làm
việc một cách hữu ích. Được cảm nhận là hữu ích trong cuộc sống hẳn
cũng là niềm hạnh phúc lớn của mỗi người".
LTS: GS.TS Trần Thanh Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, tự nhận cuộc “dạo chơi” làm báo ở VietNamNet của ông ở tuổi “về chiều” hóa ra là sự kéo dài cuộc đời làm việc một cách hữu ích.
Trong vai trò cố vấn, đi cùng VietNamNet từ những ngày đầu “trứng nước”, ông là “nhân chứng” sống động nhất cho lịch sử phát triển của tờ báo với đầy đủ thăng, trầm, hỉ, nộ, ái, ố.
Với tầm nhìn tri thức, kinh nghiệm sống, kho kiến thức uyên bác, trong nhiều năm qua, ông đã và đang luôn là điểm tựa tinh thần, đóng góp cho sự phát triển, lớn mạnh của tờ báo.
Một nhà khoa học ứng dụng, từng làm quản lý đào tạo, quản lý khoa học, bỗng rẽ ngang ở lúc “về chiều” với công việc làm báo ở một loại hình báo chí mới mẻ, đầy thử thách về sức khỏe, tư duy, ông tỏ ra không hề “cũ” mà thích ứng đầy tinh tường, nhạy bén trong tư duy, cầu thị trong cập nhật những kiến thức của nghề báo.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc chia sẻ của một trong những cố vấn, nhà báo đặc biệt của VietNamNet:
Những cuộc xê dịch “chóng mặt”
VietNamNet mười lăm năm. Mười lăm năm kể từ khi ra đời một vài trang tin internet đầu tiên của Việt Nam, trong đó có trang vnn.vn, tiền thân của báo điện tử VietNamNet ngày nay.
Và cũng chừng ấy năm tôi có cơ duyên đồng hành cùng VietNamNet. Tính từ ngày nào đó tôi không còn nhớ, nhưng từ năm 1996, khi Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn từ Nha Trang chuyển ra, đến thăm và báo tin về ý tưởng cho ra đời một trang mạng mới ở Hà Nội.
Thoáng bất ngờ, nhưng tôi vẫn tin ý tưởng này sẽ thành hiện thực và sẽ có chỗ đứng ở giữa Thủ đô, vì trang mạng Vietnet vừa gây tiếng vang ở Khánh Hòa cũng được dựng lên bởi Nguyễn Anh Tuấn này, một cựu sinh viên thuộc loại năng động nhất của ngôi trường có “ngôi sao đỏ trên thành phố cao nguyên”, Đại học Đà Lạt trong những năm tháng tôi là Hiệu trưởng.
Một bữa, vào năm sau, Nguyễn Anh Tuấn đến và đề nghị “thầy viết cho một bài” cảnh báo về một hiện tượng có nguy cơ làm rối loạn thông tin khi nhân loại bước vào năm 2000, sự cố Y2K. Đó cũng chính là bài viết đầu tiên của tôi trên trang mạng tiền thân đầu tiên của báo VietNamNet.
Rồi năm sau nữa, biết tôi đang kết thúc nhiệm kỳ Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Nguyễn Anh Tuấn mời tôi “hợp đồng”, chiều chiều đến với tòa soạn, tại Nghi Tàm, Hồ Tây. Tôi nhớ, ở đó tôi đã có bài viết chính luận thể thao đầu tiên, về đề tài bóng đá: “Giã từ Tiger Cup”.
GS Trần Thanh Minh, nhạc sĩ Văn Ký, cựu Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trong lễ kỷ niệm ngày thành lập VietNamNet, tháng 12/2008. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tôi bước chân đến nghề báo, đến với VietNamNet như vậy đó. Để rồi bắt đầu một hành trình dài cùng VietNamNet với nhiều đổi thay, nhiều xê dịch đến “chóng mặt”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhiều chuyến chu du ấn tượng, với bao cuộc gặp gỡ và chia tay với bạn bè đồng nghiệp…
Những đổi thay về “nhãn mác”, từ vnn ngắn gọn, đến Vasc-Orient nghe hơi Tây, rồi dừng lại ở tên gọi VietNamNet tựa đôi cánh tay vươn cao ước vọng… đến tận bây giờ.
Những vui buồn…
Đến với VietNamNet, niềm vui bất ngờ đối với tôi là được thoải mái “đọc báo”. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực sự là vậy. Ở tòa soạn, mất bao nhiêu thời gian, sử dụng bao phương tiện “multimedia” để tiếp cận với nhiều nguồn thông tin trong nước, thế giới không còn là chuyện giải trí của người nhàn rỗi mà chính đó là công việc. Công việc như thế quả là thú vị, đặc biệt với những “người ghiền” chuyện đông tây kim cổ hay các thông tin hiện đại nóng hổi như lứa tuổi chúng tôi.
Lại được viết. Từ yêu cầu ban đầu của Tổng biên tập, một số buổi trong tuần hiện diện ở tòa soạn với chức năng “tư vấn” hoặc thỉnh thoảng viết một bài “chính luận” hay thông điệp của VietNamNet, dần dần công việc đã mở rộng, ngoài đôi việc liên quan quản lý, còn phải viết (hay “được viết”) những vấn đề khác nhau, những cảm nhận, bức xúc về xã hội, đất nước hay những sự kiện, kiến thức khoa học công nghệ mới mẻ cần chuyển tải đến cộng đồng.
Với tôi, đó cũng là điều thú vị. Hơn nữa, bài tự ngòi bút mình viết ra, rồi được “pốt” ngay lên mạng “nhà” và lan tỏa nhanh chóng đến người đọc, cơ hội này không phải người viết nào, ở nơi nào cũng có được.
Cùng với các cuộc xê dịch về địa lý, ở VietNamNet có sự chuyển dịch không ngừng về con người, nhiều đồng nghiệp đến và đi nhưng cũng nhiều người vẫn còn ở lại, tất cả đều góp phần làm nên một VietNamNet phong phú và đa dạng, có buồn có vui và có bản sắc.
Trải qua những phận sự khác nhau: Cố vấn rồi ủy viên Ban biên tập, Trưởng ban rồi “nhà báo”, tôi lại có nhiều dịp hội ngộ với các “đồng nghiệp cố vấn”, các nhà nghiên cứu Việt Phương và Nguyễn Trung, các nhà kinh tế Phạm Chi Lan và Trần Đình Thiên, các nhà hoạt động Nhà nước, Quốc hội như Trương Đình Tuyển và Dương Trung Quốc..., một thời mang lại cho VietNamNet những tư duy mới mẻ và trí tuệ.
Nhiều “công dân” trung thành của VietNamNet chắc không bao giờ quên những biến động, những cơn siêu bão từng làm chao đảo VietNamNet. Có những lúc con thuyền tưởng như tan vỡ, khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thân mến phải thốt lên những tiếng bi tráng gửi “những người đàn ông, đàn bà” VietNamNet.
Dĩ nhiên, bên cạnh nỗi buồn lại có niềm vui, ở VietNamNet tôi được gặp gỡ, cộng tác, quen thân với nhiều người làm báo ở các thế hệ khác nhau, từ các phóng viên trẻ trung sôi nổi đến các cây bút thâm niên và có tiếng giỏi giang trong nghề. Được gần gũi bên tách cà phê nồng ấm với bạn tri âm tri kỷ.
Những tưởng sau 20 năm làm việc ở môi trường đại học và 20 năm ở môi trường viện nghiên cứu, việc dừng lại ở VietNamNet sau khi chính thức hết tuổi làm việc trong cơ quan nhà nước chỉ là cuộc “dạo chơi” hay chuyện “làm thêm”.
Nhưng bước chân cứ đưa đẩy vào nghề báo và viết báo lúc nào không biết. Và chính nhờ có VietNamNet, cuộc “dạo chơi” tuổi về chiều của tôi hóa ra là sự kéo dài cuộc đời làm việc một cách hữu ích. Được cảm nhận là hữu ích trong cuộc sống hẳn cũng là niềm hạnh phúc lớn của mỗi người.
Tâm nguyện làm người … hát rong
Khi đã nhập cuộc vào nghề báo, dù được giao những chức trách khác nhau, nhưng trực tiếp viết báo, theo tôi nghĩ, là công việc có ý nghĩa nhất. Điều này trùng hợp với cá tính cũ của bản thân là thích làm “thợ”, dù ở môi trường công việc nào. Hơn nữa, người ta vẫn nói: có làm “thợ” sẽ làm “thầy” tốt hơn.
Trước đây, khi là hiệu trưởng đại học tôi cũng không muốn rời bục giảng, vẫn nhận giảng 1 giáo trình cơ sở hoặc giáo trình chuyên ngành, có lúc kiêm hướng dẫn luận văn. Và khi làm viện trưởng viện nghiên cứu cũng thế, vẫn trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài, có thể cấp nhà nước, cấp bộ, hoặc cấp viện.
Chỉ có điều khác là trước đây, để làm nhà giáo, làm nhà khoa học tôi đều được học “nghề”, được tu nghiệp đây đó, lấy bằng này bằng nọ qua thi cử. Nhưng làm báo …thì chưa được học nghề một ngày nào. Mà cũng không còn “quỹ thời gian” để học nữa!
Dù rằng chuyện viết lách nói chung, tôi cũng đã có dịp “thực hành” ở các môi trường làm việc trước đây. Như làm chủ biên, hiệu đính viên và cả trực tiếp viết sách, giáo trình, tài liệu nâng cao cho các học sinh phổ thông, đại học hoặc nghiên cứu sinh. Nhưng cho dù có ngót mươi đơn vị sách lớn nhỏ thì việc này cũng hoàn toàn khác với việc làm báo. Ngòi bút viết sách không phải là ngòi bút viết báo, người viết sách cũng vẫn không phải là nhà báo chuyên nghiệp.
Hoặc trong những năm quản lý nghiên cứu khoa học, tôi cũng phải viết báo. Nhưng chỉ là các bài báo khoa học công bố các kết quả nghiên cứu, đăng ở các tạp chí, hoặc bài viết thuyết trình và in trên các tập kỷ yếu hội nghị khoa học, trong nước và nước ngoài.
Kể cả các báo cáo tổng kết đề tài, chương trình khoa học. Và dăm bảy chục bài báo khoa học như vậy, về kết cấu và hình thức diễn đạt, cũng khác biệt với những bài báo xuất bản trên các tờ báo đại chúng như Báo điện tử VietNamNet, dù có đưa vào chuyên mục Khoa học công nghệ.
Ngay cả kinh nghiệm trước đây khi viết cho báo giấy cũng không thật thích hợp với báo điện tử bây giờ.
Báo điện tử hay báo mạng như VietNamNet có những yêu cầu riêng, về sự súc tích nội dung, ngắn gọn trong diễn đạt, cách ngắt câu sang dòng, cách đặt “tít” (tiêu đề); “lead” (lời dẫn), cách chèn ảnh, chèn tin liên quan…
Vậy là phải tự học, tự “đi tắt đón đầu” qua thực tế công việc và học hỏi ở những đồng nghiệp. Ở đây, thời gian chính là người thầy quan trọng nhất.
Mười mấy năm trôi qua. Ban đầu, viết báo là do đơn “đặt hàng” cụ thể, cũng là quá trình thử sức, là cuộc chơi mới. Như viết “xã luận” nhân ngày Quốc khánh, “thông điệp” nhân 12 năm VietNamNet…
Để rồi chuyển sang viết báo từ cảm xúc, bức xúc trước những sự kiện của đất nước hay trên thế giới. Như đã viết về con người nổi tiếng “khoán 10” Kim Ngọc, về một thế giới không vũ khí hạt nhân, về thủy điện Việt Nam …
Và từ vài ba năm gần đây, bên cạnh các hoạt động chuyên môn khoa học như giảng bài hay sinh hoạt ở các hội đồng chuyên môn thuộc Bộ KHCN, tôi có ý dành phần lớn quỹ thời gian ở VietNamNet để viết về các vấn đề khoa học nổi bật nhiều người muốn biết, cần biết. Chẳng hạn, đã giới thiệu và phân tích các nguồn năng lượng mới, đánh giá bức tranh điện hạt nhân trên thế giới hậu Fukushima, những thông tin mới và thú vị xung quanh bảng tuần hoàn nguyên tố v.v…
Chỉ muốn chuyển tải được những thông tin khoa học cần thiết nhưng có thể rối rắm và khô khan bằng thứ ngôn ngữ giản dị, đại chúng và sinh động, đến với nhiều người, từ các bạn hữu trong giới khoa học đến các thầy giáo, sinh viên, học sinh và cả đông đảo bạn đọc muốn quan tâm.
Viết như thế, tôi có tâm nguyện được làm người “hát rong” trên các nẻo đường khoa học…
Trần Thanh Minh