- Những email chân thành của độc giả, dù chỉ vài dòng, cũng là một thứ socola khác, cho người cầm bút bớt mệt nhọc và thêm động lực trước áp lực công việc và những đề tài mới cấn đặt ra.


LTS: Nhà báo Kim Dung (bút danh Kỳ Duyên) được coi là một trong những cây bút linh hồn của Tuần Việt Nam - một chuyên trang lớn của VietNamNet. Khởi đầu từ chuyên mục “Thư Hà Nội”, đến “Phát ngôn và Hành động ấn tượng”, rồi Phát ngôn Tuần Việt Nam, nhiều bài viết của chị gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bởi tư duy sắc sảo, trực diện, đa cảm, với vốn sống, sự từng trải sâu sắc và đầy nhân văn thể hiện trong những vấn đề mà chị tiếp cận.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những trải nghiệm, cảm xúc của nhà báo Kim Dung với VietNamNet nhân kỷ niệm 15 năm thành lập báo:


Cách đây hơn 5 năm, anh Nguyễn Anh Tuấn, lúc đó là Tổng biên tập VietNamNet, gọi điện cho tôi. Anh mời tôi sang làm việc với báo, phụ trách chuyên mục Thư Hà Nội.

“Socola đặc biệt”

Câu hỏi duy nhất với anh Tuấn lúc đó là thời gian. Làm sao có thể bảo đảm yêu cầu của báo? Câu trả lời: Không sao, cái chính là sản phẩm. Chị cứ làm việc qua…mạng là được!

Khi ấy tôi đâu nghĩ, đó là một rẽ ngoặt đặc biệt, vừa thú vị, vừa là thử thách khả năng thích ứng của mình.

Rẽ ngoặt, vì đó là sự thay đổi lớn: chuyển từ cách làm báo ở một tờ báo giấy chính thống, lớn nhất nước, một tờ báo chính trị, sang tờ báo mang tính phản biện xã hội.

Chuyển từ loại hình báo giấy quen thuộc, phổ biến, sang một loại hình báo chí kỹ thuật, “thời thượng” nhất bấy giờ - báo điện tử.

Chuyển từ lĩnh vực tôi chuyên “thâm canh” - giáo dục, sang một lĩnh vực đa dạng - Thư Hà Nội, chuyên mục mang tính tổng hợp văn hóa - xã hội, xoay quanh… Hà Nội.

Và chuyển từ cách tác nghiệp, với những thể loại tin, bài điều tra, phóng sự, xã luận… khô khan (dù người viết luôn gắng thoát ra nét “đặc thù” này của tờ báo), sang thể loại tạp văn, hoặc bài viết mang hơi hướng văn chương, nhưng vẫn bám vào thực tiễn chuyện đời.

Tôi nhớ nhất câu nói của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau đó, khi anh phụ trách chuyên mục này: Hóa ra, Thư Hà Nội là một loại socola đặc biệt chị ạ. Rất khó viết!

Quả vậy!

Sự thăng trầm về tính chất, thể loại, gây ra nhiều tranh cãi, từ nội dung, đến tên gọi - nay là Thư Thăng Long, đủ hiểu số phận “truân chuyên” của chuyên mục này.

Nhà báo Kim Dung (giữa) dẫn chương trình bàn tròn trực tuyến về giáo dục, tháng 6/2011. Bên phải ảnh là GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH. Bên trái là TS Nguyễn Anh Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dạo đó, Thư Hà Nội với tôi, là một chuyên mục yêu quý, một quãng đời làm báo thú vị, đầy kỷ niệm và nhiều xúc cảm. Cộng tác viên có “dấu ấn” đặc sắc của chuyên mục này là Hiệu Minh, dân IT chính hiệu, viết tay ngang nhưng rất có duyên, nhiều tính phát hiện, nay đã là 1 blogger nổi tiếng.

Và còn nhiều nữa, những Mai Quốc Ấn (nhà báo), Hoài Hương (nhà văn), Trần Thanh Vân (Kiến trúc sư)… và nhiều bạn viết trẻ, thích thú với chuyên mục này.

Có cả người bạn trẻ khuyết tật, sống tại Sơn La, mà mỗi bài viết của anh, tôi thấy trân trọng, ngậm ngùi. Mỗi người một vẻ. Người viết nhiều, người viết ít, nhưng họ đều là những người yêu Hà Nội, tình yêu xen lẫn nỗi day dứt trước hành trình đi lên của một đô thị còn ngổn ngang nhiều điều. Họ yêu Hà Nội, và vì vậy, họ yêu Thư Hà Nội…

Tôi tận tụy và yêu thích chuyên mục này, bởi từ họ.

Và tôi yêu thích thêm nghề cầm bút bởi sự thử thách mới này. Từ việc viết những bài báo điều tra, xã luận khô khan chuyển sang những bài viết mang tính chất văn chương mềm mại. Nó có vẻ như là “quãng lặng” thư thái... Lại như chút socola đặc biệt được nhấm nháp sau một chặng hành trình làm nghề mệt nhọc, nhiều áp lực lẫn gian nan trong tâm hồn và cuộc sống.

Luôn đồng hành cùng dân tộc

Nhưng nếu có ai hỏi, làm việc ở VietNamNet, tâm đắc nhất điều gì? Xin trả lời ngay, tôi tâm đắc nhất tư tưởng “Luôn đồng hành cùng dân tộc”.

Có thể nói, đó cũng là ý thức chi phối tôi suốt cả cuộc đời, từ khi còn là cô nhà báo trẻ, tóc tết ngang vai ở báo Nhân Dân. Với tôi - điều gì làm cho người dân, vì lợi ích của người dân, cũng chính là làm cho dân tộc này, bởi có dân mới thành dân tộc - là đáng trân trọng, và theo đuổi nhất.

Có lẽ, Tuần Việt Nam, chuyên trang bình luận các vấn đề, sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội đã thực sự chứa đựng tư tưởng đó. Đó cũng là điều tôi cảm thức sâu sắc, khi chuyển từ chuyên mục Thư Hà Nội sang làm việc ở Tuần Việt Nam, khởi đầu làm mảng giáo dục quen thuộc, và cuối cùng, nắm chuyên mục Thông tin đa chiều hiện nay.

Có thể nói, hiếm có chuyên trang nào như Tuần Việt Nam tập hợp được đông đảo các trí thức lớn trong nước, các trí thức Việt kiều tên tuổi ở nước ngoài cộng tác, cùng một bầu tâm huyết nóng bỏng vì vận mệnh đất nước.

Đó là một thế mạnh, một nét bản sắc riêng biệt không trộn lẫn, tạo nên thương hiệu của chuyên trang này.

Những bài báo phản biện chính trị - xã hội thẳng thắn, gai góc, đầy trí tuệ nội lực, có sức lay động, tỉnh thức con tim hàng triệu bạn đọc vì vận mệnh quốc gia, trước cả cơ hội lẫn thách thức hội nhập và phát triển, cứ ngấm như mưa dầm thấm đất, đã tạo nên “đẳng cấp” riêng của VietNamNet trong làng báo chí Việt Nam.

Người đọc và viết cho Tuần Việt Nam không chỉ có tầng lớp trí thức già, từng trải, có uy tín, mà bất ngờ, có rất nhiều bạn đọc trẻ, sinh viên ham hiểu biết, biết quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra cũng rất thích đọc và mong muốn được cộng tác.

Những email chân thành của họ, dù chỉ vài dòng, cũng là một thứ socola khác, cho người cầm bút bớt mệt nhọc và thêm động lực trước áp lực công việc và những đề tài mới cấn đặt ra.

Hạnh phúc của một tờ báo, cũng là của người làm báo, là luôn được hàng nghìn, hàng vạn lượt độc giả cập nhật hàng ngày, để rồi mỗi sáng bạn đọc lại liên tục email hỏi về bài vở hôm nay. Có gì hay, có gì đúng, có gì sai trong mỗi bài báo, đều được chân thành góp ý, xây dựng.

Một cảm nhận khác, thú vị không kém. Tuần Việt Nam - chuyên đăng tải các bài bình luận chính trị - văn hóa - xã hội của các cộng tác viên phần lớn thuộc giới tinh hoa, sắc sảo trong trí tuệ, hấp dẫn trong bút pháp, và bản lĩnh trong cách thể hiện, lại là nơi hội tụ hầu hết gương mặt biên tập viên thuộc phái đẹp, còn rất trẻ tuổi đời.

Có lẽ sự đồng cảm về tư duy, sự chia sẻ nghiệp vụ làm báo, và sự thông cảm với nhau trước mỗi hoàn cảnh, số phận đã là chất kết dính dễ thương ở tập thể có già, có trẻ, có… ương ương này. Hầu như ít có những hiện tượng hay gặp - như sự hục hặc, mâu thuẫn nhau bởi những điều lặt vặt, không đáng có – một nhược điểm phổ biến của phái đẹp.

Năm qua đi, tháng qua đi...

Những gì là “đỉnh cao”, Tuần Việt Nam đã gieo trồng và gặt hái.

Nay Tuần Việt Nam cũng đang đứng trước những thử thách “ngầm” của một thời kỳ mới. Viết ra sao, viết thế nào để vẫn giữ được đẳng cấp, phong độ, có uy tín với bạn đọc? Để vẫn giữ được mạng lưới cộng tác viên thân thiết - đội ngũ cung cấp thông tin, kiến thức uyên bác và biết chia sẻ với mỗi thăng trầm của tờ báo?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời, cho dù hàng ngày, những bài báo vẫn lên giao diện Sự kiện nóng, Tư liệu suy ngẫm, Thông tin đa chiều… đều đặn. Đằng sau sự bình thản đó, là mối suy tư, day trở của người cầm bút, nếu thực sự vẫn còn ngọn lửa nghề, mà không đơn thuần là cơm áo, mưu sinh.

“Đừng than phận khó ai ơi…”

Có một chuyên mục đặc biệt không thể không nhắc đến, tuy giờ đây, nó không còn tồn tại nữa trên giao diện. Nhưng nó cũng đã từng là chuyên mục đặc sắc, góp phần tạo nên dấu ấn riêng, bản sắc riêng của VietNamNet nói chung, Tuần Việt Nam nói riêng, được bạn đọc trân trọng đón nhận mỗi sáng thứ 6 cuối tuần.

Đó là chuyên mục Phát ngôn và Hành động ấn tượng, sau là Phát ngôn Tuần Việt Nam.

Một chuyên mục độc đáo, đòi hỏi tổng hợp và bình luận về những sự kiện, những phát ngôn gây ấn tượng của các nhân vật nổi lên trong tuần, giữa nhiều sự kiện và phát ngôn hay, hoặc dở. Vừa hấp dẫn vừa như người đi thăng bằng… trên dây.

Mới hay, nghề báo đòi hỏi nhà báo cần có cái phông kiến thức và văn hóa khá rộng, khá vững chắc về nhiều vấn đề, lĩnh vực. Không có cách nào, chỉ có thể tự học, quan sát xã hội, và đọc. Nói theo cách nói của giáo dục, là khả năng tự đào tạo phải tốt.

Mới thấy lao tâm khổ tứ của nghề sâu sắc nhường nào. Mới thấy áp lực và thách thức tâm lý của nghề cầm bút ra sao. Mới thấy hạnh phúc và nỗi đắng của nghề luôn song hành. Nụ cười và đôi khi, có cả nước mắt rơi xuống bàn phím!

Giờ đây, Tuần Việt Nam nói riêng, VietNamNet nói chung, lại đang đứng trước thách thức - làm nghề ở một giai đoạn mới. Tồn tại và phát triển, giữ được phong độ, đẳng cấp, và uy tín trong làng báo Việt Nam, là câu hỏi rất khó. Không chỉ đặt ra với toàn tòa soạn, mà còn đặt ra với mỗi người cầm bút.

Yêu nghề, và chung tình với nghề, cảm nhận được vị ngọt cùng đắng đót của nghề, âu cũng đã là Hạnh phúc?

Nên mỗi lúc buồn, mỗi lúc ngẫm về cái vinh, cái hạnh ngộ và cái đau của nghề cầm bút, không hiểu sao, tôi hay nhớ tới hai câu ca dao. Và muốn mượn “hồn vía” của ca dao để nghĩ về nhân tình thế thái, để vẫn có thể trân quý, và mỉm cười bằng an khi nhấn bàn phím trước một bài viết mới:

Đừng than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi... tư duy!


Kim Dung