- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trả lời báo giới ngay sau khi luật Thủ đô được Quốc hội ấn nút thông qua chiều 21/11.
>> Ở một nơi 3 năm liên tục mới mong thành người HN
"Trước khi có luật Thủ đô, những công việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải giải quyết hàng ngày vốn dĩ cũng đã hết sức to lớn và khó khăn. Sau khi có luật, đây là sẽ một thuận lợi lớn, là cơ sở pháp lý quan trọng, giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô những trách nhiệm mới", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Theo ông Phạm Quang Nghị, luật Thủ đô, trên mỗi lĩnh vực giáo dục, văn hóa, đầu tư, ngân sách... đều ít nhiều thể hiện những đặc thù của Hà Nội, nhưng tổng hợp lại, luật tạo ra vị thế cho thủ đô của đất nước, khẳng định vị trí, tầm quan trọng và một vị thế mà không phải tỉnh, thành nào cũng có.
|
Ông Phạm Quang Nghị: Luật Thủ đô không phải cây đũa thần. Ảnh: Minh Thăng |
"Ngay sau khi QH thông qua luật Thủ đô, tôi nghĩ đến những việc cần làm chứ không phải say sưa với niềm vui luật được thông qua", Bí thư chia sẻ. "Những yêu cầu đối với Thủ đô để xứng đáng với lòng mong đợi của cả nước, bây giờ có lẽ còn lớn hơn nữa. Trách nhiệm sẽ nặng hơn, nhưng thuận lợi sẽ tốt hơn".
Theo ông Nghị, khâu yếu nhất cần làm ngay là kỷ cương xã hội. "Nhiều người còn chưa có ý thức đầy đủ, xứng đáng là công dân thủ đô", Bí thư Hà Nội cho rằng biện pháp nâng mức phạt sẽ tăng tính răn đe, đồng thời kết hợp với các biện pháp giáo dục nâng cao ý thức.
"Luật Thủ đô không đem lại cho Hà Nội một cây đũa thần, vung lên một cái là ngày mai có thay đổi, mà cần một quá trình. Bản thân luật Thủ đô cũng hơn 3 năm mới có được sự nhất trí đồng thuận như hôm nay", Bí thư Phạm Quang Nghị nhận định. "Chuyển biến trong thực tế chắc cũng cần thời gian, nhưng rõ ràng là có những yếu tố tích cực hơn".
Ngoài những biện pháp trước mắt như từng bước chuyển trụ sở các bộ ngành, các nhà máy, xí nghiệp lớn ra khỏi khu trung tâm, hạn chế xây nhà cao quá 9 tầng trong nội thành, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc quy hoạch 5 thành phố vệ tinh như một biện pháp lâu dài, đồng bộ để giải quyết các vấn đề bức xúc.
Siết nhập cư vì cái chung
Đối với một tỉ lệ không nhỏ (gần 30%) các ĐB biểu quyết không tán thành điều 19 trong dự thảo luật về các điều kiện siết nhập cư, Bí thư Hà Nội cho rằng "những người mong muốn quy định nhập cư dễ dàng hơn cũng là những người yêu quý Hà Nội và muốn chung tay, góp sức xây dựng thủ đô".
"Song từ góc độ quản lý một đô thị, chúng ta phải tìm ra một lời giải tốt nhất, dù chưa phải phù hợp với mong muốn của một số người, nhưng phải vì cái chung", ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Trước một số lo ngại về những hệ lụy tiêu cực có thể có của các quy định siết nhập cư, ông Phạm Quang Nghị nhận định: "Nếu làm không tốt thì bất cứ chính sách nào cũng có thể bị lợi dụng".
"Ngày trước thời bao cấp sống dựa vào hộ khẩu, tem phiếu, nhập cư cực khó mà vẫn có thể có tiêu cực. Như vậy, tiêu cực hay không phụ thuộc vào ý thức, tinh thần trách nhiệm thực thi chính sách chứ không phải bản thân quy định", Bí thư Hà Nội nói.
Ông Nghị chỉ ra các số liệu dự báo khi áp dụng các quy định này, trong 4-5 năm tới, có thể giảm được khoảng 1 triệu người nhập cư vào Hà Nội.
Chung Hoàng (ghi)