- Ngày 25/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 3 và 4 (TP.HCM).

TIN LIÊN QUAN:

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri TP.HCM sau kỳ họp QH bế mạc tuần trước. Ảnh: Tá Lâm
Nhiều vấn đề cử tri nêu ra không mới như tham nhũng, xử lý người đứng đầu khi để thất thoát tài sản nhà nước, chủ quyền biển đảo… Song cử tri thể hiện rõ thái độ bức xúc trước những vấn đề lớn đang tồn tại của đất nước. Họ cũng mong muốn những đề nghị của họ sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện.

Cử tri Nguyễn Minh Ngọc (phường 4, quận 4) cho rằng, động thái của Trung Quốc khi cấp hộ chiếu phổ thông điện tử có in đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là không thể chấp nhận được, đó là âm mưu thâm độc, bất chấp luật pháp quốc tế. Việc các đồn biên phòng Việt Nam không đóng dấu vào những hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò là một chủ trương đúng.

“Tuy nhiên, về lâu dài, tôi đề nghị Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền biển đảo ở trong nước và trên thế giới, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Ngọc nói.

Cử tri Ngọc cũng đề nghị đưa tuyên bố chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm phổ biến các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo để các nhà khoa học lịch sử ghi chép thành giáo án đưa vào giảng dạy trong các cấp học hiện nay. “Công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo còn kéo dài nên chúng ta cần ghi chép lại cho các thế hệ nối tiếp”, ông đề nghị.

Không chỉ quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhiều cử tri TP.HCM còn bức xúc trước tệ nạn tham nhũng vẫn nghiêm trọng, chưa xử lý được người đứng đầu làm thất thoát tài sản, và bức xúc nhất vẫn là “nhóm lợi ích” mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận định.

Ông Nguyễn Minh Giới (phường 16, quận 4) cho rằng, tham nhũng đã có địa chỉ cụ thể là những người có chức có quyền… tồn tại ở những nơi xin - cho, những nơi gây phiền hà cho người dân. “Nhưng nhóm lợi ích chưa chỉ ra được địa chỉ cụ thể. Tôi đề nghị Quốc hội phải chỉ ra được địa chỉ cụ thể nhóm lợi ích này bao gồm những ai, ở đâu và ở những lĩnh vực nào”, ông Giới đề nghị.

Nhiều cử tri khác cũng cho rằng, chỉ khi vạch ra được “nhóm lợi ích” này thuộc những lĩnh vực nào thì mới đẩy lùi được tham nhũng.

Thay mặt tổ đại biểu, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch tiếp thu các ý kiến của cử tri và cho biết, sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét từng vấn đề cho phù hợp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cám ơn các cử tri đã đóng góp những ý kiến tâm huyết.

Tá Lâm