- Cái mà tôi quý nhất và thích nhất ở VietNamNet là tinh thần dấn thân. Có lẽ ngay khi ra đời, VietNamNet tự xác định cho mình trách nhiệm phải trở thành một diễn đàn của tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước...

Trân trọng giới thiệu bài viết của ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương, cộng tác viên đặc biệt thân thiết của VietNamNet, nhân dịp VietNamNet sắp tròn 15 tuổi:


Ông Bùi Đức Lại trò chuyện với phóng viên VietNamNet tại lễ kỷ niệm thành lập báo, tháng 12/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có lần để “thanh minh” với cô phóng viên của một “báo nhớn” về việc không nhận trả lời phỏng vấn, tôi đã viện dẫn được nhiều lý do chính đáng (về hưu lâu, lạc hậu với tình hình, điều mình biết thì chẳng ai lạ gì, nói gì thì cũng giống cái băng đĩa cũ bị vấp, cứ “tua” lại mãi một câu…). Nhưng khi cô ta hỏi, có lẽ cũng do buột miệng: “Thế tại sao chú vẫn viết cho VietNamNet?” thì tôi bí, không biết trả lời thế nào cho phải.

“Duyên khởi” có lẽ từ mấy nhà báo của VietNamNet. Mặc dù bị từ chối mấy lần, các cô nhà báo trẻ ấy vẫn kiên trì yêu cầu một cuộc “phỏng vấn ngắn” về một đề tài rất già nua và chán ngắt là công tác cán bộ.

Chán ngắt vì bao nhiêu năm nay, mỗi lần động đến công tác cán bộ, thì ai cũng như ai, nhất là các vị lãnh đạo, mới cũ, to nhỏ, đều nhấn mạnh ý nghĩa “cực kỳ quan trọng”, đều yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện…; nhưng rồi rút cục, trong thực hành thì mọi chuyện hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ. Thế mà các cô và báo của họ lại quan tâm đến việc này, thực lòng, chứ không phải để làm duyên như một vài báo khác. Các cô than phiền là hầu như chẳng được biết gì về phương thức lãnh đạo của Đảng cũng như các quy chế, thủ tục cụ thể trong công tác cán bộ. Chẳng có sách báo nào viết mà cũng chẳng ai nói cho mà biết. Nghe thế, tôi hơi giật mình...

Người ta có thể thích hoặc không thích VietNamNet. Thích thì cũng có thể có nhiều lẽ. Vì báo đã sớm định ra được một diện mạo rõ ràng, vì sự đa dạng phong phú của chủ đề, vì tính chính luận, vì văn phong giản dị… Lại có người thích cái maket đẹp, nhiều hàm ý, với hàng chữ gothic cổ điển và chữ V đỏ rực cách điệu hình tượng con người vươn lên trời, vì chương trình hòa nhạc Điều còn mãi tổ chức đều đặn hàng năm vào chiều ngày Quốc khánh ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Cũng có người thích báo vì thích Tổng biên tập, có nhiều ý tưởng mới, năng động, đẹp trai, có duyên, hoặc vì đội ngũ biên tập viên, bên cạnh các trưởng lão có nhiều “cậu bé, cô bé” giỏi nghề, kiến thức đầy mình, mà nghịch ngợm cũng không thua gì bọn học trò quỷ sứ…

Tôi chia sẻ một số trong những điều kể trên với mọi người. Nhưng cái mà tôi quý nhất và thích nhất ở VietNamNet là tinh thần dấn thân.

Có lẽ ngay khi ra đời, VietNamNet tự xác định cho mình trách nhiệm phải trở thành một diễn đàn của tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc, ở đó họ có thể trao đổi quan điểm một cách nghiêm túc, không né tránh.

Phấn đấu để làm như vậy, nó đã chiếm được cảm tình và lòng tin, sự ủng hộ và hợp tác của nhiều người có lương tâm và trí tuệ cả trong và ngoài nước, trong đó có những nhân vật nổi tiếng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật… ở tầm quốc gia và quốc tế. Họ sẵn lòng viết bài, trả lời phỏng vấn, giao lưu, chia sẻ quan điểm với người đọc qua các chương trình khá thường xuyên trên VietNamNet, với chính kiến rõ ràng, lý lẽ vững chắc, với niềm tin và những trải nghiệm sâu sắc.

Để làm được như vậy, Tổng biên tập, ban lãnh đạo cùng tập thể VietNamNet đã phải đương đầu và vượt qua những khó khăn từ nhiều phía. Chịu nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”, nhưng họ không đầu hàng, không chịu rời bỏ mục tiêu - sứ mệnh tự đề ra cho mình. Đằng sau mỗi vinh quang của VietNamNet - góp tiếng nói có hiệu quả vào việc thúc đẩy tiến bộ xã hội - đều có nhiều, thậm chí rất nhiều nhọc nhằn.

VietNamNet 15 tuổi, đã sớm có một diện mạo riêng, đã có một chỗ đứng trong làng báo, qua đó đã có những đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp báo chí nói riêng và đối với đất nước nói chung. Khi nói về tuổi, vô thức hay khiến người ta liên hệ đến tuổi của đời người. Một thiếu nữ mười lăm thì đương nhiên là đầy sức sống, tư duy trẻ trung, nhìn đời với đôi mắt trong veo. Nhưng báo thì không như vậy. Có báo trên trăm tuổi vẫn trẻ, nhưng cũng lại có báo già cỗi ngay từ khi ra đời. Báo trẻ hay già là nằm ở giá trị tinh thần, tư tưởng, văn hóa.., của những bài báo nó đăng tải, sức sống trong lòng bạn đọc. Người viết làm ra bài báo, nhưng báo mang giá trị bài viết đến với nhân quần, ra xã hội. Nó quan trọng không kém, nếu không nói là hơn. Giữ vững và phát huy được bản sắc và vai trò đó là một con đường dài, lắm chông gai, không có ý chí kiên định thì rất dễ nản lòng.

Tôi không phải là nhà báo, không nằm trong “biên chế” của báo, mà chỉ là người đọc hy vọng nhiều ở VietNamNet, thỉnh thoảng có bài đăng trên đó. Tôi tin rằng những người như tôi cần thận trọng khi đưa ra những yêu cầu, những lời khuyên, nếu chưa biết chia sẻ nỗi khổ trăm bề của người làm báo, của những người lãnh đạo tờ báo. Nhất là trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, làm việc tốt khó hơn làm việc xấu. Để yên thân với đời và đỡ thẹn với lương tâm, người ta hay chọn cách làm dễ nhất là hòa theo dòng đời, tốt xấu mỗi thứ một ít.

Ai cũng cho rằng Đông Kisôt đánh nhau với cối xay gió là việc làm vớ vẩn. Nhưng Đông Kisôt không nghĩ vậy. Các Đông Kisôt có thể thua, nhưng chính cuộc chiến đấu của họ đã làm cho cái ác không thể ngự trị trên đời. Phải chăng vì đã quảng bá cho niềm tin đó bằng sức mạnh nghệ thuật độc đáo của mình mà Xécvăngtét được nhân loại thừa nhận là tác gia vĩ đại bậc nhất? Cứ khi nào có ý nghĩ bi quan về hiệu quả của báo chí trong điều kiện hiện nay thì trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh chàng hiệp sĩ gầy lêu đêu, cưỡi con lừa già đi qua suốt năm thế kỷ của lịch sử nhân loại. Đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ cùng VietNamNet và những người cầm bút.

Bùi Đức Lại