- Chia sẻ với cử tri Hà Nội sáng nay (1/12) trong buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp QH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, nhiều vị không chịu thừa nhận khuyết điểm, sai lầm. Do vậy việc phê bình và tự phê bình theo tinh thần NQ Trung ương 4 vẫn phải tiếp tục.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là khi lợi ích đã thành nhóm

Lập Ủy ban Kỷ luật TƯ?


Nhiều cử tri đề nghị Tổng bí thư vạch rõ đích danh chân tướng “một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái”. Các đại biểu cũng bày tỏ sự không hài lòng với kết quả phê bình và tự phê bình theo NQ Trung ương 4 bởi phát động thì rầm rộ mà rốt cuộc không ai bị kỷ luật, dư luận cho là hòa cả làng. Thậm chí, nhiều vị ra trước QH chỉ “nhận trách nhiệm” là xong. Tiền lệ này có thể sẽ khiến dân không mấy tin tưởng vào chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm mà QH sẽ tiến hành vào năm sau.

Theo mô tả của ông Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai), một bộ phận không nhỏ đó chính là “những kẻ tranh thủ một thời làm quan, cậy quyền, cậy thế để vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước. Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, cái lọng để che thân, làm cán cân của công lý, làm cái cần cho lý trí, tiền là hết ý… Dân ta đã coi đây là giặc nội xâm, quốc nạn, giặc trong lòng, giặc trong tổ chức”.

Cũng theo ông, NQ của Đảng cũng như luật Phòng chống tham nhũng nếu làm không không triệt để thì chỉ e mọi việc lại trở về như cũ, có khi còn tồi tệ hơn. Đặc biệt, dân chúng rất chia sẻ với quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Tổng bí thư nhưng dân không hiểu vì sao cả bộ máy lại không có sự chuyển biến “thất thoát cả trăm nghìn tỷ đồng mà chỉ cần một lời xin lỗi là xong? Như vậy thì muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng”.


Ông Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch) kiến nghị lập Ủy ban Kỷ luật TƯ
Ông Hoàn kiến nghị Đảng lập Ủy ban Kỷ luật TƯ do Tổng bí thư đứng đầu, kỷ luật ngay bất kỳ người nào phạm vào tham nhũng.

Cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình nên học theo tinh thần của Bác dạy, “với những kẻ sai lầm nặng mà không chịu sửa đổi thì phải đấu tranh không được nể nang. Có một số ít người mà phê bình, thúc giục mấy vẫn cứ ỳ ra không chịu sửa đổi, với hạng người này cần nghiêm khắc mời họ ra khỏi Đảng, tránh chuyện một con sâu làm rầu nồi canh”, ông Hoàn đề xuất.

Nhiều người kỳ vọng chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp QH thêm công cụ giám sát bộ máy và loại được “bộ phận không nhỏ suy thoái” ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) e chủ trương này lại tiếp tục “ngâm tôm” kéo dài như rất nhiều NQ khác của QH, lúc ban hành thì rất rầm rộ nhưng hiệu quả chưa thấy đâu.

Nhiều ý kiến khác cũng quan ngại tinh trạng chạy phiếu, mua phiếu, vận động hành lang.

Ông Võ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) đề xuất, “có thể mạnh dạn chuyển từ hình thức lấy phiếu trong QH sang lấy phiếu trưng cầu dân ý để đạt đến dân chủ thực chất. Nhưng liệu ta có dám làm hay không?”.

"Đụng lợi ích là phản ứng"

Chia sẻ với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận, kết quả Hội nghị Trung ương 6 khiến nhiều cử tri tâm tư, không hài lòng, thậm chí thất vọng, bực bội vì không kỷ luật được ai.

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trong NQ Trung ương 4 mới tiến hành được một thời gian ngắn, hơn nữa đây cũng là một NQ chung cho các nhiệm kỳ sau bởi đụng chạm tới vấn đề liên quan đến sự tồn vong của Đảng. “Nhiều biện pháp đưa ra để tất cả cùng tiến lên chứ không phải nhằm mục đích phải kỷ luật nhiều thì mới tốt”, ông Trọng cho hay.

Theo Tổng bí thư, NQ Trung ương 4 có tác dụng cảnh tỉnh với những người quên đi mất nguy cơ sụp đổ chế độ. Thứ hai là để răn đe, thứ ba là nhằm ngăn chặn sai phạm. Và cuối cùng nếu không sửa thì mới xử lý kỷ luật, một cách có lý có tình trên cơ sở pháp luật.

Ông khẳng định, tác dụng răn đe đã nhìn thấy rõ. Vì vậy, tinh thần của NQ giống như nhóm lên một cái lò, tạo ra hơi nóng, để “củi tươi, củi khô ném vào đều phải cháy lên hết, một khi đã có sự đồng lòng nhất trí. Quan trọng là phải nhóm cái lò ấy lên”.

Tổng bí thư cũng giải thích, “tự phê” không có nghĩa là phải đạt đến mục đích kỷ luật. Bởi, nếu làm không kỹ sẽ nảy sinh mặt tiêu cực là làm rối ren tình hình, rối ren nội bộ, chia rẽ bè phái. Cách tốt nhất vẫn là để tự mỗi người ý thức được cái sai để sửa chữa. Bởi sắp tới, QH sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, nếu ai đó không đạt được tín nhiệm sẽ thấy rất rõ. Mặc khác, người dân còn rất nhiều kênh giám sát khác nhau.

Liên quan đến câu hỏi của cử tri mong nhận diện “bộ phận không nhỏ suy thoái”, ông Trọng khẳng định, “nói là bao nhiêu thì trừu tượng quá”, cũng khó tách bạch ai nằm trong bộ phận đó”.

Đồng thời, để nói tình trạng không ai muốn tự nhận mình đang nằm trong bộ phận suy thoái bởi e ngại mất quyền lợi, Tổng bí thư mượn một câu vè: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”.

Theo ông Trọng, rất khó để ai đó tự nhận ra khuyết điểm của mình, “đụng đến lợi ích là va chạm, là phản ứng, nhất là khi lợi ích đã thành nhóm”.

Ông Trọng kết luận, NQ Trung ương 4 vừa qua cơ bản là đạt yêu cầu. Song, việc kiểm điểm phải được làm đi làm lại. Sửa được việc nào là phải sửa ngay.

Một số kết quả có thể nhìn thấy, đó là quyết định lập lại Ban nội chính TƯ, Ban kinh tế TƯ, xây dựng quy hoạch các chức danh từ Bộ Chính trị đến Ban Bí thư. Rồi xem xét xử lý kỷ luật một loạt lãnh đạo ở các tỉnh.

Cũng theo Tổng bí thư, chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm vừa được QH thông qua đã tách bạch được hai khâu bỏ phiếu, lấy phiếu. Với tinh thần không chặn con đường tiến của ai mà quan trọng là “răn đe” để tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, cũng không nên xem đây là “cây đũa thần” đưa ra là giải quyết ngay được nhiều vấn đề. Bởi trong thực tế vẫn còn có nhiều người không chịu thừa nhận khuyết điểm, sai lầm của mình. Rồi chuyện lợi ích bị ảnh hưởng, chuyện vận động, hứa hẹn. “Sắp tới phải có quy trình chặt chẽ thực hiện, răn đe ngăn ngừa tiêu cực nữa mới có thể phát huy hiệu quả. Việc hỏi ý kiến cử tri cũng là một cách. Đây cũng là biện pháp nằm trong hoạt động giám sát của QH”, ông Trọng cho hay.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng