- Theo Nghị quyết về quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm vừa được QH thông qua sáng nay, từ năm 2013, các nhân sự cấp cao của Chính phủ và QH sẽ được lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Người có quá nửa ĐB đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức hoặc QH bỏ phiếu tín nhiệm.

5 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm

Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ trình QH bỏ phiếu tín nhiệm khi xảy ra một trong các trường hợp sau: khi UBTVQH đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu; khi có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của QH.

Đại biểu QH ấn nút thông qua nghị quyết về quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sáng 21/11. Ảnh: Minh Thăng

Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ được tiến hành khi người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp". Hoặc, người được lấy phiếu tín nhiệm có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Như vậy, so với luật hiện hành, Nghị quyết này chỉ bổ sung thêm hai điều kiện về "bỏ phiếu" tín nhiệm căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Còn lại, vẫn là những quy định cũ đã có trong luật nhưng chưa từng được thực thi.

QH cũng chỉ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Không lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng Dân tộc, ủy ban của QH, ban của HĐND như dự kiến ban đầu.

Theo báo cáo giải trình của UBTVQH, qua thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị thu gọn phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, không làm dàn trải.

Kết quả thăm dò bằng phiếu gửi đại biểu cũng cho thấy đa số tán thành chỉ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt. Tương tự, HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu như: chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND.

Bỏ phiếu kín

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bắt đầu thực hiện ngay tại kỳ họp QH đầu năm 2013.

Với các nhiệm kỳ sau, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bắt đầu vào kỳ họp đầu tiên trong năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.

Trước đó, mặc dù có một số ý kiến đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ hoặc vào kỳ họp cuối mỗi năm, song theo UBTVQH, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm sẽ giúp người giữ chức vụ thấy mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc sắp xếp, bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước. Quy định về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ là để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý.

Quy trình được tiến hành như sau: Người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có báo cáo công tác bằng văn bản gửi UBTVQH chậm nhất 30 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp QH. UBTVQH gửi thông báo về việc lấy phiếu tại kỳ họp và báo cáo công tác của người được lấy phiếu đến đại biểu chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp. QH quyết định ngày lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình kỳ họp. Hình thức là bỏ phiếu kín.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm tự nhận xét, báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà người tham gia lấy phiếu yêu cầu. Đại biểu có quyền yêu cầu người được lấy phiếu giải trình thêm về những vấn đề đại biểu quan tâm, cần được làm rõ; thu thập thêm thông tin từ những nguồn đã được kiểm chứng khác.

Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức hoặc QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Người bị bỏ phiếu có quyền trình bày

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành như sau.

UBTVQH trình QH về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp QH, trong đó báo cáo rõ căn cứ đề nghị thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm.

QH thảo luận. Trước đó, người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước QH. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu thảo luận tại các đoàn. Chủ tịch QH có thể họp với các trưởng đoàn đại biểu để trao đổi các vấn đề liên quan.

Sau đó, UBTVQH báo cáo trước QH kết quả thảo luận.

QH bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người bị bỏ phiếu tín nhiệm, hai mức độ "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".

Đối với người có quá nửa đại biểu không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người đó.

Các đối tượng QH thực hiện lấy phiếu tín nhiệm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của UBTVQ;

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước.


Lê Nhung

Bản chất bỏ phiếu là bất tín nhiệm
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão nói, phối hợp QH - cơ quan Đảng về nhân sự còn lúng túng. Nhân bàn bỏ phiếu tín nhiệm, QH nên chủ động hơn.
 
Nên bỏ phiếu tín nhiệm 49 nhân sự cấp cao
Thảo luận ở tổ, nhiều ĐBQH nói chỉ nên khoanh vùng ở 49 nhân sự cấp cao. Phải bỏ phiếu luôn, không nên "vòng vo" thêm quy trình lấy phiếu.
 
Phải thay được người không còn uy tín
Cán bộ nếu lấy phiếu mà đạt tín nhiệm thấp có quyền xin từ chức. Người tín nhiệm thấp phải tìm giải pháp tốt nhất cho bản thân trong danh dự.
 
Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng
Cùng với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm ở QH, sắp tới còn có NQ về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.
 
Tín nhiệm thấp, cách chức luôn?
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, UB Pháp luật đề xuất nếu ai đó tín nhiệm thấp nên cách chức luôn.
 
Lấy phiếu tín nhiệm: Cơ hội cho văn hóa từ chức
Xây dựng văn hóa từ chức trong hoạt động chính trị là kỳ vọng của các ủy viên Thường vụ QH khi thảo luận đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm khi dư luận ‘trào sôi’
Trọng tâm buổi thảo luận tổ về đề án đổi mới hoạt động QH chiều nay (28/5) là đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Bỏ phiếu tín nhiệm: Cần được 'bật đèn xanh'
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, “bật đèn xanh” sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực tiễn một cách thực chất.