Chung cư tái định cư xấu
Tại phiên chất vấn của HĐND thủ đô chiều 5/12,
khi các ĐB “truy” tình trạng 149 tòa nhà chung cư tái định cư, GĐ Sở Xây dựng
Nguyễn Thế Hùng khẳng định với các công trình làm từ ngân sách, thành phố có
trách nhiệm bảo đảm chất lượng tất cả các khâu.
Trưởng ban Văn
hóa - Xã hội HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Thùy: Các chung cư cũ đang xuống cấp trầm
trọng dường như không được ai quan tâm
Việc chậm xử lý khắc phục hư hỏng ở các chung cư này, GĐ Sở cho biết đang thay đổi cách thức: Các công ty quản lý nhà được yêu cầu ứng vốn sửa chữa ngay, sau đó Sở Tài chính sẽ giải ngân từ nguồn trích lập 2% tiền bán nhà mà Sở đang quản lý, thay vì phải làm xong hết thủ tục mới sửa chữa như trước.
ĐB Đỗ Trung Hai (huyện Mỹ Đức) thấy cách làm này vẫn “lòng vòng”, nhất là khi việc quản lý nguồn trích lập 2% chưa rõ về số lượng và phân cấp quản lý. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị nhanh chóng làm rõ việc quản lý nguồn 2% này để chủ động sửa chữa chứ không để đến khi người dân phải tạo sức ép.
Chưa yên tâm, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (huyện Thanh Oai) muốn biết Sở Xây dựng đã kiểm tra chất lượng bao nhiêu trong số 149 chung cư này. GĐ Nguyễn Thế Hùng khẳng định đã kiểm tra toàn bộ và mời ĐB đến cơ quan để chia sẻ kết quả.
Bên cạnh chất lượng, ĐB Bùi Huyền Mai (huyện Đông Anh) cũng than về sự khác biệt về diện mạo giữa nhà tái định cư và chung cư thương mại, “rất nhếch nhác như GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu sáng nay”.
GĐ Sở Xây dựng khẳng định quan điểm của thành phố không phân biệt giữa hai loại hình chung cư. “Đã ban hành thiết kế mẫu nhà tái định cư nên từ nay sẽ không còn tình trạng đó nữa”, ông Hùng hứa.
Giám
đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng
Cùng với nhà tái định cư, các chung cư cũ đang xuống cấp trầm trọng cũng dường như “không được ai quan tâm”, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Thùy nêu. “Nhiều vị trong đoàn giám sát của HĐND khi nghe phản ánh về điều kiện sống ở các chung cư cũ đã toát mồ hôi vì không biết có trường hợp tương tự trên địa bàn mình không”, bà Thùy nói.
Bà lưu ý số lượng chung cư cũ ở thành phố không còn nhiều, nhưng “các chung cư mới bây giờ rồi sẽ cũ”, thành phố cần tính toán lâu dài để tránh lặp lại tình trạng trên. GĐ Nguyễn Thế Hùng khẳng định “có sự quan tâm” và thường xuyên kiểm tra, đặc biệt với các chung cư xây từ ngân sách.
ĐB Bùi Huyền Mai nhắc GĐ Sở về lời hứa ban hành quy chế quản lý nhà chung cư. Ông Hùng cho biết đã hoàn thành dự thảo, đang lấy ý kiến các ngành, chính quyền và Bộ Xây dựng để phù hợp với thực tiễn Hà Nội.
Thừa nhận là chậm nhưng GĐ Sở xây dựng nhấn mạnh thủ đô vẫn đi đầu so với các địa phương. Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu đến hạn 31/12 phải có quy chế này.
Đã kỷ luật 142 thanh tra xây dựng
Với tình hình lấn chiếm đất, vi phạm trật tự xây dựng còn phức tạp, các ĐB đặt câu hỏi về chất lượng đội ngũ thanh tra xây dựng khá đông đảo của Hà Nội. Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam chỉ ra vi phạm nhiều là do có phần tiếp tay, dung túng từ đội ngũ.
“Khi đó lại ‘đổ’ do đối tượng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng là xong”, ông Nam nói. “Vậy trong đội ngũ này, bao nhiêu là công chức, bao nhiêu là hợp đồng, thanh tra công vụ dẫn đến kết quả ra sao?”
GĐ Sở Xây dựng thừa nhận có vấn đề trong lực lượng này, song gần đây đã củng cố và có chuyển biến. Ông Hùng dẫn chứng đã kỷ luật 142 cán bộ để cho thấy thành phố làm rất quyết liệt.
GĐ Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cũng cho biết đã thanh tra công vụ và sẽ gửi kết quả cho ĐB vào hôm sau.
Đề nghị phụ huynh giám sát lạm thu
Chuyện lạm thu tiếp tục được các ĐB nêu dù “đến hẹn lại lên, kỳ họp nào cũng bàn” như ĐB Nguyễn Ngọc Thạch (huyện Mỹ Đức) nhận định.
“Gốc vấn đề là lãnh đạo nhà trường không nghiêm, vậy đã có hiệu trưởng nào bị kỷ luật chưa, sao không công khai những đơn vị lạm thu, những ban giám hiệu bật đèn xanh cho lạm thu, để lấy lại niềm tin của phụ huynh và nhân dân?”, ông Thạch nói.
Theo GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, với mức học phí trên địa bàn có thể coi là thấp, Sở đã tạm thời hướng dẫn các khoản thu ngoài học phí sau khi tham khảo ý kiến nhiều bên.
Theo ông Độ, chủ trương huy động xã hội hóa cho giáo dục khi ngân sách còn khó khăn là đúng, nhưng hiện mới làm được khâu “huy động” chứ chưa làm được khâu “biến thành hiệu quả giáo dục”.
“Các khoản thu này phải được chi trực tiếp cho học sinh để nâng cao chất lượng, chứ không phải cho các mục đích khác”, ông Độ nói. “Đó là lý do ở nhiều trường dân lập làm tốt, dù thu học phí cao phụ huynh vẫn chấp nhận”.
Theo Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Bích Ngọc, các sai phạm về lạm thu chủ yếu ở các trường từ cấp PTCS trở xuống, nên đề nghị UBND các quận, huyện phát huy trách nhiệm.
“Chúng tôi cũng đề nghị các phụ huynh tìm hiểu hướng dẫn về quy trình thu và các khoản thu để giám sát, kịp thời phản ánh sai phạm”, bà Ngọc nói.
Chung Hoàng - Ảnh: Phạm Hải