Hè đến mang theo cái nóng như đổ lửa. Để ô tô ngoài trời nắng thường xuyên là nỗi khổ của nhiều người. Bởi khi đó, chiếc xế hộp đã bị biến thành "lò nướng" với nhiệt độ bên trong lên cao, gây ra nhiều hiểm họa.

Lo sợ giảm tuổi thọ xe

“Xe của tôi dạo này hay phải đỗ dưới trời nắng, mặt đồng hồ tốc độ có hiện tượng giống như bị ố, mặt kính lái có lớp mờ mờ như hơi nước,... Tôi sợ nếu cứ để vậy, cả mùa hè này thì toàn bộ mặt kính sẽ bị mờ, không biết phải làm thế nào?”

“Xe của tôi thường xuyên phải để dưới sân cơ quan, không có bóng cây, không có mái che, nền sân là bê tông, mùa hè nắng nóng khủng khiếp, mỗi lần nhìn ra thấy chiếc xe phơi mình dưới nắng, không khỏi xót xa. Chỉ mong ước tìm được nơi để xe có bóng mát, cho đỡ bị ảnh hưởng...”.

Những lời than thở như vậy xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là khi hè đến, nhiệt độ ngoài trời tăng cao.

{keywords}
Đỗ xe ngoài trời nắng khiến nhiều người xót xa

Với nhiều người, ô tô được xem là phương tiện chống nắng hữu hiệu khi có việc phải ra đường ngày nắng nóng. Tuy nhiên, đến khi gửi xe ngoài trời và bị nắng hun thì mới thấy nỗi khổ tâm của họ.

Anh Lê Ngọc Quang, làm việc ở đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội, cho biết, cơ quan có hầm để xe, nhưng không đủ chỗ nên muốn để xe dưới hầm, anh phải đi làm thật sớm, còn đi muộn chấp nhận để xe trên sân bê tông, phơi nắng cả ngày. Có nhiều hôm còn tranh nhau chỗ đỗ xe.

Anh bảo, không nói ra thì không ai hiểu cho nỗi khổ của người đi ô tô. Nếu ở các nước, ô tô chỉ là phương tiện thì ở Việt Nam, nó còn là tài sản đáng giá. Có những chiếc xe giá trị tương đương một ngôi nhà, và chắc chắn không ai muốn “ngôi nhà di động” của mình nhanh giảm tuổi thọ do thường xuyên để ngoài trời, anh Quang tâm sự.

Để biết nhiệt độ trong xe nóng thế nào, chỉ cần làm một thí nghiệm nhỏ: mang ô tô ra phơi dưới trời nắng 40 độ C, tắt máy, đóng kín cửa; sau 30 phút mở ra, dùng nhiệt kế đo nhiệt độ bên trong. Chắc chắn nhiệt kế sẽ chỉ ở con số gần 60 độ C.

Còn nghiên cứu của giới chuyên môn cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 35 độ C thì chỉ cần 20 phút, ca-bin một chiếc xe nhỏ có thể đạt 50 độ C. Nếu thời gian là 40 phút, nhiệt độ ca-bin lên tới 65,5 độ C. Những chiếc xe để lâu, nhiệt độ có thể lên tới 70 độ C.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi nhiệt độ tăng, cao su và nhựa và các dung môi bên trong xe sẽ hóa hơi. Dấu hiệu rõ nhất của một chiếc xe bị quá nhiệt là các bộ phận sử dụng dầu nhờn bôi trơn như núm điều khiển điều hòa, chân phanh, thiết bị điều khiển ghế,... hoạt động không trơn tru. Do dầu bôi trơn bị bay hơi và khô lại, dưới nhiệt độ cao, khiến các thiết bị này khó sử dụng hoặc bị kẹt.

Tiếp đến các gioăng cao su cánh cửa sẽ nhanh lão hóa. Các thiết bị điện không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu duy trì nhiệt độ cao trong thời gian dài, hỏng hóc là không thể tránh khỏi. Sự quá nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ắc quy chết sớm. Nhiệt độ khiến chất lỏng bay hơi, thay đổi nồng độ dung dịch, phản ứng diễn ra nhanh và gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy. Đặc biệt, đường ống dẫn khí, nước làm mát dễ bị hỏng, lốp xe dễ bị tăng áp suất, lớp sơn vỏ xe nhanh phai màu...

{keywords}
Nên tìm các biện pháp chống nắng cho xe

Thường xuyên đỗ xe ngoài trời nắng nóng, dễ gây ra nguy hiểm cho người sử dụng. Bầu không khí bên trong những chiếc xe trở thành "phòng khí độc", rất nguy hại, do hàng loạt hóa chất từ vật liệu trong xe bị chuyển hoá và bay hơi dưới nền nhiệt độ cao. Lốp xe dễ bị nổ, ống dẫn khí, nước làm mát bị sự cố, gây nguy hiểm, khi xe lưu thông trên đường.

Các cách giảm thiểu tác hại

Để giảm tác hại của nắng nóng, khi để xe lâu ngoài trời, người sử dụng ô tô cần lưu ý những điều sau:

Nên dám phim cách nhiệt toàn bộ xe, luôn mang theo tấm chắn nắng phản quang, để che nắng cho xe.

Lưu ý khi đỗ xe ngoài trời nắng, nếu có thể, hãy đỗ xuôi chiều ánh mặt trời và dùng tấm che nắng phản quang che kính sau, kính trước của xe.

Bấm hạ kính ở mỗi cửa xuống khoảng 1 cm để tạo độ thông gió.

Ngoài ra có thể lắp quạt giải nhiệt cho xe. Đây là thiết bị gắn ở kính cửa sổ ô tô sát với trần xe, chạy bằng pin hoặc năng lượng mặt trời. Hoạt động của nó khá giống quạt thông gió giúp luân chuyển không khí từ trong xe ra ngoài.

Đặc biệt lưu ý, không được để các vật dụng dễ cháy nổ bên trong, khi xe đỗ ngoài trời nắng lâu như: bình chữa cháy, bật lửa ga, điện thoại di động, nước ngọt có ga... khi gặp nhiệt độ cao sẽ dễ gây cháy nổ xe.

Thường xuyên kiểm tra lốp xe, đo áp suất lốp, kiểm tra dầu máy, dầu hộp số, dầu tay lái, dầu phanh, nước làm mát, ắc quy. Cùng với đó nên rửa xe, dọn nội thất, làm sạch khoang xe.

Trần Thủy