Một vấn đề nhức nhối tồn tại như hủ tục ở Việt Nam lâu nay, đó là thói hành xử côn đồ khi xảy ra tai nạn giao thông. Có lẽ, thay vì nói vui “Ra đường sợ nhất công nông... ”, giờ nên đổi bằng “Ra đường sợ nhất du côn”.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội Facebook, dân tình truyền tay nhau chia sẻ một đoạn clip ghi lại nội dung một chàng trai đi xe máy bị đánh oan khi va chạm giao thông với một bé gái.

Anh Tuấn, người bị đánh, chia sẻ một cách bao dung với PV. VietNamNet rằng: “Tôi hiểu cảm giác có con nhỏ hoặc người nhà khi chứng kiến bé ngã có thể bức xúc nên mới hành động như vậy”, và mong phụ huynh có con nhỏ đừng để con chạy ra đường - nơi có xe máy, ô tô hay qua lại.

Dạy trẻ tránh xa đường đông không khó, thế nhưng, nan giải hơn cả là giáo dục người lớn, những người hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết vụ việc.

{keywords}

Nếu người ta đối xử văn minh với nhau liệu vụ tai nạn trên cầu vượt Thái Hà có xảy ra

Chúng ta có thực sự thân thiện?

Khi đến Việt Nam, ấn tượng đầu tiên của du khách nước ngoài là sự thân thiện của người dân bản địa. Nụ cười chào đón, cử chỉ thân thiết như những người bạn. Nhưng, họ sẽ rất bất ngờ khi chính những người dân thân thiện kia, khi ra đường lại không ngần ngại sử dụng nắm đấm, mũ bảo hiểm với chính đồng bào mình.

Theo thống kê của Bộ Công an, số vụ trọng án bắt nguồn từ va chạm giao thông đang có chiều hướng tăng mạnh. Chỉ cần vào Google gõ tìm kiếm 3 cụm từ “va chạm giao thông”, “án mạng”, “trọng án” sẽ hiện lên hàng loạt kết quả. Tháng nào cũng có một hai vụ, trải khắp cả nước. Những sự việc đau lòng như vụ taxi điên đâm hàng loạt người trên cầu vượt Thái Hà, và mới đây nhất, chỉ cần va chạm nhỏ, hai thanh niên có thể đâm chết ngay một công nhân là bố của con thơ 2 tháng tuổi đi làm thêm ngày chủ nhật, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ thói hành xử côn đồ, coi thường luật pháp.

Người ta thường đổ lỗi cho những người trẻ, những cậu thanh niên choai choai phải chịu trách nhiệm về vụ ẩu đả. Đúng nhưng chưa đủ. Bởi đâu đó, vẫn thấy những bậc trung niên, đáng tuổi bác, tuổi ông khi va chạm cũng sẵn sàng lao vào “quyết chiến” khi thấy đối thủ “vừa miếng”.

Phép vua thua lệ làng...

Có lẽ chẳng ở đâu trên thế giới lại có văn hóa giao thông kỳ lạ như ở Việt Nam. Khoảng vài chục năm trước đã xuất hiện một thứ luật lệ bất thành văn vô cùng xấu xí. Đó là khi xảy ra tai nạn giao thông, xe tải phải đền xe con, ô tô phải đền xe máy, xe máy đền người đi bộ. Gần như, tất cả các vụ va chạm đều giải quyết bằng nguyên tắc này?

{keywords}

Nếu theo kiểu lệ làng kia, xe đạp chẳng bao giờ vi phạm luật giao thông

Có thể người ta muốn san sẻ tổn thất cho những người bị đau hơn, bị thiệt hại hơn khi tai nạn. Thế nhưng, vô hình chung thứ quy tắc ấy lại làm mọi người thiếu trách nhiệm với hành vi của mình. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Anh đã đi sai, người khác đâm vào anh, anh phải tự chịu lấy, tất cả mọi nơi khác trên thế giới đều như vậy.

May mắn thay, thứ luật lệ oái oăm đó chỉ tồn tại một thời gian rồi bị xóa bỏ, nhưng ý thức xem nhẹ pháp luật thì vẫn kéo dài tới tận bây giờ.

Đáng sợ cái cách nghĩ, nếu người thân của mình bị đau, mình có quyền đánh người khác để trả thù. Trong lúc cơn tức giận đang bốc lên ngùn ngụt, liệu họ có công tâm với những lỗi do người thân mình gây ra? Hay như trường hợp của bố mẹ cháu bé trong clip vừa qua, họ có dám thừa nhận lỗi của mình khi không trông con cái cẩn thận?

Cứu người bị đánh oan, lần sau ai dám

Để mong bình an cho mình, có độc giả còn cho rằng “chớ có làm anh hùng mà chuốc khổ, nhịn không phải nhục, cũng không phải tự tay giết lại người ta”.

Sao chúng ta có thể vô cảm đến mức vậy?

{keywords}
Vụ xe Camry gây tai nạn khiến 3 người chết ở phố Ái Mộ, Gia Lâm, Hà Nội khiến xã hội bàng hoàng vì sự thơ ơ, vô cảm của con người trong cơn hoạn nạn của đồng loại.

Sự thực đã có nhiều người tâm sự, khi đi trên đường không dám dừng lại đưa người bị nạn đi cấp cứu. Họ sợ bị nhầm tưởng là thủ phạm, sẽ bị bắt đền. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Hữu Duyên tại TP.HCM cách đây 3 năm. Anh Duyên có lòng tốt đưa người đi cấp cứu, để rồi chính mình lại bị người nhà nạn nhân hành hung đến chết.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta - những người tuy xa lạ nhưng đều là người tốt - lại không thể đoàn kết bảo vệ nhau trước cái xấu?

Nếu chúng ta tiếp tục bỏ mặc cho những kẻ côn đồ lộng hành thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ có gì ngoài sự thờ ơ và vô cảm thật sự?

Bạn không cần phải mạnh mẽ hay là anh hùng để chống lại cái xấu. Mọi việc chỉ bắt đầu từ những việc hết sức đơn giản. Ví như cùng người khác đưa người bị nạn tới bệnh viện hoặc ở lại viết lời khai làm chứng cho cảnh sát giao thông. Ai cũng chung tay cố gắng, thói hành xử côn đồ nhất định sẽ bị đẩy lùi.

Hoàng Hiệp