Đáng lo ngại là hiện tượng “nhờn luật” của số đông trở nên phổ biến hơn. Trên mặt đường, cứ chỗ nào không có CSGT là người ta sẵn sàng phạm luật.

Mấy ngày nay, các trang báo và mạng xã hội nóng rãy vì vụ tan nạn thảm khốc do chiếc Camry gây ra ở Ái Mộ, Long Biên cướp đi 3 sinh mạng. Cảm giác bất an càng thêm nặng nề, khi tai nạn có thể đưa con người về thế giới bên kia bất cứ lúc nào, không chỉ do sự bất cẩn của bản thân, mà còn do sự cẩu thả đã đến mức phổ biến trên xã hội.

Chỉ vừa dịp Tết mới đây, thống kê vào mùng Ba Tết cho thấy các bệnh viện cả nước khám, cấp cứu cho 17.278 trường hợp tai nạn giao thông, tăng 113% so với Tết năm ngoái, trong đó gần 2.000 trường hợp chấn thương sọ não.  

Những ngày Tết, đi đường chúng ta chứng kiến không ít người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm; đèo hai, thậm chí ba người… Và cũng không ít người trong số đó mặt mũi đỏ phừng phừng, tiếp tục lái xe đi chúc Tết sau khi đã có một lượng rượu khá lớn trong bao tử. Lượng người vượt đèn đỏ cũng tăng hẳn so với ngày thường.  

Chỉ cần một lý do, tai họa đã có thể giáng xuống, chứ đừng nói nhiều lý do cùng kết hợp, như vừa có yếu tố men rượu cùng với vượt đèn đỏ hoặc không mũ bảo hiểm thì lưỡi hái thần chết đã thừa để kề cổ chúng ta.  

Trên mặt đường, cứ chỗ nào không có CSGT là người ta sẵn sàng phạm luật – thật đáng buồn rằng: “Người Việt Nam sợ công an chứ không sợ luật.” Những ngày lễ Tết là ví dụ cho tấy dường như cơ quan pháp luật lơi lỏng thêm một chút, thì chúng ta cũng lơi lỏng cho chính bản thân. Đáng tiếc là tai họa chẳng bao giờ lơi lỏng cho ai. Coi thường pháp luật, người Việt đang coi thường mạng sống của tất cả những người cùng tham gia giao thông. 

Chỉ trưa qua thôi, tôi chứng kiến một người đàn ông cùng đứng chờ đèn xanh, rồi vù ga phóng khi chỉ còn có 10 giây là đèn đỏ chuyển xanh, chiều kia một chiếc ô tô chạy tốc độ cao đã phải phanh gấp, đánh lái. Một hành động “tiếc rẻ” 10 giây, có thể dẫn đến cái chết của chính người điều khiển phương tiện và những người xung quanh nếu chiếc ô tô mất lái đâm vào dãy người đang đỗ xe sau vạch vôi.  

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn Camry thảm khốc tại Ái Mộ, Long Biên. Ảnh: VietNamNet

Chúng ta nói quá nhiều đến việc tâm lý của người Việt là luôn xem “rủi ro chỉ có thể đến với người khác, còn với mình thì không bao giờ.” Không ít phụ huynh  sẵn sàng sắm cho con xe đạp điện, xe máy đẹp… coi thế là đủ, không thấy cần phải trang bị thêm cho con một thái độ nghiêm túc về tính mạng của bản thân và những người xung quanh. 

Và những đứa trẻ cứ thế ra đường, thái độ có vẻ ngông nghênh yêng hùng, nhưng thực ra là hoàn toàn không được bảo vệ, đồng thời cũng là nguồn nguy hiểm cho những người xung quanh. Cứ thế lớn lên các cháu lại trở thành một thế hệ coi thường mọi thứ… Vòng luẩn quẩn không bao giờ dừng lại! 

Kinh khủng hơn nữa, đó là việc ngày càng phổ biến hơn sự “nhờn luật” của số đông. Người viết bài này không ít lần phát hoảng khi đi vượt qua ngã tư rõ ràng là bản thân còn đủ mười mấy giây đồng hồ để đi qua, nhưng chiều kia đã có ùn ùn hàng chục người đồng loạt cùng vượt đèn đỏ với một khí thế đằng đằng đầy đe dọa. Tính tùy tiện "tập thể" đã phổ biến hơn, chẳng khác nào lúc hàng trăm phụ huynh hè nhau đạp đổ cổng trường để cố kiếm hồ sơ nhập học cho con; hay hùa nhau cùng “hôi” những lon bia đổ ra từ chiếc xe tải gặp nạn. 

Trong vụ việc xe Camry gây tai nạn, các thông tin sẽ dần được cơ quan điều tra làm sáng tỏ. Nhưng một điều rõ ràng là vụ này có nhiều yếu tố cẩu thả: người được cho là lái xe chưa có bằng lái, gặp xe khác đỗ sai luật chưa có được cách xử trí phù hợp. Với tình huống đó, thông thường phải lựa chọn phương án “dừng lại” thì phổ biến người Việt Nam vẫn cố “lách qua” để rồi gây tai nạn mà vẫn cho rằng lỗi của người khác.  

Với pháp luật, ô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, nên đòi hỏi người điều khiển phải có trách nhiệm với những người tham gia giao thông cao hơn hẳn các phương tiện khác. Tấm bằng lái không đơn thuần là mảnh giấy để khi nào cần đưa cho CSGT kiểm tra, mà nó thể hiện quá trình học tập, rèn luyện cả về kỹ năng lái xe, hiểu biết pháp luật và tư cách đạo đức, ý thức trách nhiệm của người lái xe… Tiếc là chúng ta ngày càng coi thường tất cả những điều đó.  

Cái vòng luẩn quẩn sẽ được chấm dứt nếu mỗi người chúng ta, nghe con số người chết, số ca chấn thương sọ não… mà nghiêm túc ngẫm nghĩ, nhìn nhận lại mình; quyết định thay đổi bản thân và gia đình mình ngay lúc này. Bởi nếu chậm, có thể chúng ta sẽ không còn cơ hội để sửa chữa nữa.  

Không bao giờ được phép lơ là, lơi lỏng, vô kỷ luật và vô trách nhiệm… đó là thái độ đúng đắn để bảo vệ sinh mạng của bản thân và những người xung quanh.

Phúc Lai