Ken Segall khẳng định, cách đặt tên các sản phẩm mới của Apple thời gian gần đây có vấn đề, không hợp lý và gây tổn hại đến hình ảnh thương hiệu của chính Táo khuyết.
iPhone 4S và New iPad, hai sản phẩm bị Kevin Segall cho là "thảm họa đặt tên" của Apple |
Segall từng là Giám đốc sáng tạo của TBWA/Chiat/Day, đối tác quảng cáo và truyền thông lâu năm của Apple trước khi nhận chức cố vấn cho Apple từ năm 2008. Ông từng là người tư vấn cho thầy phù thủy quá cố Steve Jobs về cách đặt tên cho những sản phẩm trọng điểm của hãng. Segall cũng là tác giả của "Insanely Simple", một cuốn sách giải thích lý do vì sao Apple lại thành công như vậy.
Do đó, việc ông công khai chỉ trích khách hàng lớn nhất của mình là rất đáng để nghe. Cuối tuần trước, trên blog cá nhân, Segall xác nhận, không có bất cứ lý do thuyết phục nào để Apple lại đặt tên iPad như vậy. "iPad - iPad 2 - New iPad. Tại sao lại không phải là iPad 3 mà lại là "New iPad". Cái tên này thì có ý nghĩa gì? Có bản sắc gì? Có nét riêng gì?", Segall bình luận.
Kevin Segall là cố vấn cấp cao về thương hiệu cho Apple |
Vấn đề cũng lặp lại y hệt với iPhone. Nếu như bạn vẫn vò đầu bứt tai tự hỏi vì sao kế nhiệm iPhone 4 lại là iPhone 4S chứ không phải iPhone 5 - bất chấp việc Apple tuyên bố iPhone 4S là kết quả của một quá trình "tư duy lại hoàn toàn" về iPhone - thì bạn không phải là người duy nhất.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận thấy, Apple chỉ tung ra một phiên bản nâng cấp toàn diện sau mỗi 2 năm. Xen giữa khoảng thời gian đó là các model có chữ "S" phía sau, ám chỉ những phiên bản chỉ được nâng cấp vừa phải về cấu hình bên trong như chip, camera mà thôi.
Liệu đó có phải là thông điệp mà Apple muốn gửi gắm hay không thì chẳng ai biết. Nhưng về mặt cá nhân mà nói, Segall tuyên bố ông "ước gì Apple chưa từng đặt cái tên 4S".
Trước hết, đó là một cái tên kỳ cục dù cho bạn đọc to lên hay đọc thầm trong đầu. Dù các nhà thiết kế của Apple cố hết sức để tạo ra những hình ảnh quảng cáo ấn tượng về sản phẩm, thì rõ ràng, bổ sung thêm đuôi S chỉ gửi đi một thông điệp yếu ớt. Chưa chi, người dùng đã có một ấn tượng không mấy choáng ngợp về sản phẩm mới, rằng nó chỉ là "một bước đệm" mà thôi.
Nên biết rằng, "yếu ớt" và "kỳ cục" là những từ ngữ gần như không bao giờ được gán cho các chính sách marketing và làm thương hiệu của Apple từ trước tới nay. Và nếu như Segall nhận định như vậy, thì có vẻ như ngày càng nhiều chuyên gia trong giới đồng tình rằng, ekip marketing của Apple đang lạc lối.
Y Lam (Theo Business Insider)
Các tin liên quan |
9 lỗi ngớ ngẩn của Tim Cook khi lãnh đạo Apple |