Cùng với sự phổ biến của smartphone và cuộc đua tăng chấm cho camera điện thoại, nhu cầu sử dụng máy ảnh số phổ thông POS (Point And Shot - ngắm và chụp) giảm đi rõ rệt theo từng ngày.


Doanh số sụt giảm chóng mặt chính là bằng chứng cho thấy máy ảnh số đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc bùng nổ smartphone, mà các nạn nhân không may trước đó có thể kể đến máy chơi game cầm tay hay máy nghe nhạc số.

Nạn nhân mới nhất

{keywords}

Và cũng như máy ảnh số từng hủy diệt thị trường máy ảnh phim trước đây, smartphone đang khiến cho những đại gia máy ảnh như Canon, Olympus, Sony hay Nikon điêu đứng hơn bao giờ hết.

"Có lẽ chúng ta sắp phải chứng kiến sự sụp đổ của thị trường máy ảnh số phổ thông rồi", chuyên gia Nobuo Kurahashi của hãng Mizuho Investors cảnh báo. Những số liệu từ Hiệp hội Máy ảnh và sản phẩm hình ảnh Nhật Bản tỏ ra hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Nobuo. Lượng máy ảnh số xuất xưởng của Nhật đã giảm tới 42%, chỉ còn 7,58 triệu máy trong tháng 9/2012. Riêng các dòng máy ảnh số gọn nhẹ còn giảm mạnh hơn - lên tới 48% so với cùng kỳ năm 2011.

"Rõ ràng, smartphone là một đối thủ quá khó chơi của máy ảnh số phổ thông khi cho phép chụp được những bức hình với chất lượng ổn và khả năng chia sẻ, tải lên mạng Internet tức thì. Chỉ có các dòng máy ảnh số chuyên nghiệp, cao cấp với ống kính rời là chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi smartphone, bằng chứng là doanh số của chúng chỉ giảm nhẹ khoảng 7% vì bối cảnh kinh tế mà thôi", Hiệp hội phân tích.

"Thị trường máy ảnh số đang trượt dốc nhanh hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi, nhất là khi các hãng smartphone đang ráo riết chạy đua về tính năng chụp ảnh như hiện nay", Chủ tịch hãng Olympus, ông Hiroyuki Sasa chua chát nói. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, khi camera 13MP đang trở thành chuẩn mực mới của các dòng smartphone cao cấp, đầu bảng như Sony Xperia Z, Samsung Galaxy S4. Một số hãng như HTC thậm chí còn khởi xướng cho công nghệ chụp ảnh mới mang tên UltraPixel, điều mà lẽ ra phải thuộc về phận sự của các hãng máy ảnh chính thống.

{keywords}

Bên cạnh đó, những ứng dụng như Instagram khiến cho việc bổ sung hiệu ứng, kỹ xảo, bộ lọc cho các bức ảnh chụp bằng smartphone trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Lợi thế của máy ảnh số phổ thông so với camera điện thoại ngày càng bị thu hẹp đáng kể, khi hàng loạt chế độ chụp Toàn cảnh, Sphere, Đêm đã được các hãng điện thoại bổ sung vào sản phẩm của mình. Thậm chí, các tính năng hiện đại như gộp nhiều ảnh khác nhau thành một ảnh duy nhất hay xóa bớt các vật thể trong ảnh đã chụp... cũng được đưa vào smartphone.

Các hãng máy ảnh hy vọng họ vẫn có thể trụ được ở những thị trường mới nổi, nhưng mục tiêu này thực ra không hề dễ dàng. Với thu nhập eo hẹp, người dùng ở các nước này có xu hướng chọn mua những thiết bị đa năng, n-trong-1 hơn là sắm máy ảnh riêng, điện thoại riêng. Hơn nữa, thú chơi nhiếp ảnh cao cấp cũng tỏ ra xa lạ với số đông dân số.

Ít khó khăn hơn cả trong nhóm các đại gia máy ảnh chính là Sony, bởi hãng này đang bán song song cả camera chuyên dụng lẫn smartphone. Hơn nữa, công nghệ chụp ảnh của Sony cũng đang được nhiều hãng smartphone như Apple đặt hàng. Tuy nhiên, những đại gia còn lại như Olympus, Nikon hay Canon thì không may mắn như vậy.

Phản đòn hay đang giãy chết?

Mới đây nhất, Canon đã tung ra một chiến dịch có tên gọi "Đừng để cuộc gọi can thiệp vào bức ảnh của bạn" như để khẳng định, họ chưa nhường thị trường cho smartphone một cách cam chịu.

{keywords}

"Nhu cầu dành cho những bức ảnh chất lượng cao vẫn còn đó, như chụp ảnh đám cưới, chụp ảnh kỳ nghỉ hay con cái", Canon tuyên bố. "Chúng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều người cần tới máy ảnh chuyên dụng".

Mục đích của chiến dịch quảng cáo này rất rõ ràng: Dìm hàng máy ảnh smartphone và tâng máy ảnh số lên.

Trước đây, các đại gia máy ảnh như Canon tỏ ra chủ quan và chẳng thèm để ý đến smartphone, những đối thủ mà họ cho là "không xứng tầm, chất lượng thấp, chỉ được cái tiện lợi". Nhưng ngày nay, họ đang phải gánh chịu những hậu quả của tư duy sai lầm đó. Các cuộc khảo sát cho thấy, chụp ảnh là việc mà người dùng làm nhiều nhất trên điện thoại, hơn cả gọi điện và nhắn tin.

Thế nên khi iPhone lần đầu tiên qua mặt tất cả các dòng DSLR cao cấp để trở thành loại "máy ảnh" được dùng nhiều nhất trên Flickr, tất cả thị trường mới té ngửa. Còn hiện tại, 3 camera đầu bảng của Flickr chính là iPhone 4S, iPhone 5 và iPhone 4. Canon 5D Mark II và 7D chỉ đứng ở vị trí số 4 và số 5.

Trật tự mới này đã khiến Canon không thể khoanh tay ngồi im được nữa. Tất cả các bức ảnh quảng cáo đều tập trung khai thác vào phần "điện thoại" của một chiếc smartphone, cũng như việc chứng năng này sẽ can thiệp một cách phiền phức đến trải nghiệm chụp ảnh của bạn ra sao.

Hiện chưa ai rõ cuộc chiến sẽ diễn tiến như thế nào. Zoom quang, một ưu điểm rõ rệt của máy ảnh số so với smartphone dường như cũng sắp trở thành "bình thường như cân đường hộp sữa", khi mà Samsung vừa mới tung ra Samsung Galaxy S4 Zoom, một mẫu smartphone trang bị zoom quang 10x.

Lúc này, mọi con mắt đều đang nín thở theo dõi sự phản đòn của Canon và các hãng máy ảnh. Liệu sự phản đòn có thành công, hay camera chỉ còn nước thoi thóp chờ chết? Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi đó mà thôi.

Trọng Cầm

Kỳ II: Phóng viên ảnh mất việc vì... smartphone